Ngân hàng - Bảo hiểm
Quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù, sáng tạo
Hà An - 01/10/2023 08:10
Ngay từ những ngày đầu hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng, duy trì và thường xuyên củng cố, hoàn thiện phương thức quản lý tín dụng đặc thù, cách thức hoạt động nghiệp vụ sáng tạo...
Trên 95% khối lượng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội với khách hàng được thực hiện an toàn, thuận lợi ngay tại điểm giao dịch xã



Ông Nguyễn Đức Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, Ngân hàng thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh).

Bên cạnh đó, tổ chức giao dịch tại 10.435 điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước, xây dựng hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm với dân; phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội thành lập trên 168.000 tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, ấp, bản, làng.

Thực tế cho thấy, thông qua hoạt động ủy thác, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động, làm thay đổi nhận thức trong cộng đồng xã hội. Người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm; chủ động vay vốn để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống; từng bước tiếp cận nền sản xuất hàng hóa và quan hệ tín dụng “có vay - có trả”; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chế độ cấp phát, cho không của Nhà nước.

Các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép chương trình tín dụng chính sách với các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; hỗ trợ hội viên, đoàn viên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp. Từ đó, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng phong trào hoạt động hội; thu hút, tập hợp hội viên, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Được biết, với phương thức tác nghiệp sáng tạo là duy trì và thực hiện hiệu quả hoạt động giao dịch tại các các điểm giao dịch xã, thời gian qua, trên 95% khối lượng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội với khách hàng được thực hiện an toàn, thuận lợi ngay tại điểm giao dịch xã. Với phương thức tác nghiệp này, Ngân hàng Chính sách xã hội đạt được nhiều mục tiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiết giảm chi phí, thời gian giao dịch với ngân hàng.

Bên cạnh đó, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội gần dân, sát dân, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Hơn thế, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện giám sát hoạt động của ngân hàng; tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần làm cho chính quyền gần dân, dân gần chính quyền

“Điều đó tạo mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội và người dân; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh”, ông Nguyễn Đức Hải cho biết.

Việc hình thành tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, ấp, bản, làng… trên cả nước đã tạo hệ thống “cánh tay nối dài”, cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Đây là sản phẩm sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thành công chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác. Tổ tiết kiệm và vay vốn có nhiệm vụ bình xét đối tượng vay vốn đảm bảo công khai, dân chủ, phát huy sự giám sát của cộng đồng; đôn đốc tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ, đúng hạn; thực hành tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tự có.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hải, mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn với hoạt động tiết kiệm kết hợp với hoạt động vay vốn đã góp phần đảm bảo tỷ lệ hoàn trả vốn vay, phù hợp với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách khác. Việc thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn và đưa các nghiệp vụ về thực hiện tại cơ sở góp phần đảm bảo mục tiêu cho vay đúng đối tượng, hộ vay thuận lợi trong việc thực hiện quy trình, thủ tục vay vốn, nâng cao hiệu quả quản lý vốn tín dụng

“Với nguyên tắc thành lập trên cơ sở tự nguyện, đoàn kết, tương trợ, cùng có lợi, các thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn, bên cạnh việc giúp đỡ nhau trong quá trình sử dụng vốn, còn có điều kiện chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó, duy trì và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống trong cộng đồng, củng cố sức mạnh đại đoàn kết, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu dân cư”, ông Nguyễn Đức Hải chia sẻ.

Mối quan hệ liên kết thông qua hoạt động tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội gắn bó mật thiết với nhân dân, gần dân, hiểu dân, nắm bắt thực tế để xử lý công việc, nâng cao chất lượng hoạt động của chính mình và tạo điều kiện cho nhân dân giám sát việc thực thi chế độ, chính sách của Nhà nước.

“Đây là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn cách làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng”, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác