Ông đánh giá thế nào về tăng trưởng kinh tế quý I năm nay?
Theo tôi, chắc chắn, tăng trưởng kinh tế quý I năm nay đạt tốc độ cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Quý I/2017, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,03%; công nghiệp và xây dựng đạt 4,17%; dịch vụ đạt 6,52%, nên tốc độ tăng trưởng chung của quý I/2017 chỉ đạt 5,15%. Còn quý I năm nay, theo ước tính, kể cả theo phương án thấp, tốc độ tăng trưởng của 3 lĩnh vực trên tương ứng là 2,84%; 6,78%; và 6,46%, nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm nay không chỉ tăng cao hơn cùng kỳ năm 2017, mà sẽ đạt tốc độ tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I đạt khá cao sẽ tạo đà cho 3 quý còn lại tiếp tục tăng và tốc độ tăng trưởng GDP cả năm không chỉ vượt kế hoạch 6,7%, mà còn vượt tốc độ tăng trưởng của năm 2017 là 6,81%.
Tăng trưởng kinh tế quý II và quý III/2017 có sự bứt phá mạnh mẽ, quý sau cao hơn quý trước. Ông có cho rằng, quý II và quý III năm nay sẽ lặp lại kỳ tích đó?
Thực ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế của quý II và quý III/2017 có sự bứt phá là nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nguyên nhân chính là đầu quý II, Samsung “trình làng” sản phẩm Galaxy Note 8 và sang quý III, khi Galaxy Note 8 vẫn đang là sản phẩm “hot” trên thị trường thì Formosa đi vào hoạt động. Nhờ 2 yếu tố đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II/2017 đạt 6,28% và sang quý II đạt 7,46%, nhưng sang đến quý IV, khi yếu tố đột biến không còn, GDP chỉ tăng 7,65%, tức là chỉ tăng 0,19 điểm phần trăm so với quý II.
Nhìn lại nhiều năm trước đây, tốc độ tăng trưởng quý sau bao giờ cũng cao hơn quý trước, nhưng không tăng mạnh nếu không có yếu tố đột biến. Năm nay, chưa thấy có yếu tố đột biến nào xuất hiện, nên tốc độ tăng trưởng quý sau vẫn sẽ cao hơn quý trước, song mức độ tăng không nhiều. Hơn nữa, trong 3 quý cuối năm 2017, tăng trưởng kinh tế đã rất cao, năm nay đứng trên cái nền cao hơn, nên càng khó có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Đột biến có thể là giá dầu trên thị trường thế giới đã phục hồi trở lại, thưa ông?
Tỷ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp khai khoáng nói chung, dầu thô nói riêng, không nhiều và càng ngày càng giảm. Vì thế, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng chỉ tạo điều kiện tăng thu ngân sách nhà nước (2 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước thu từ dầu thô đạt 25,4% dự toán năm, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2017 nhờ giá dầu thô đạt 67,7 USD/thùng), chứ không đóng góp nhiều vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, cho dù có khai thác thêm 1 - 2 triệu tấn dầu thô so với kế hoạch. Hơn nữa, giá dầu thô nếu giữ ở mức trên 60 USD/thùng, thì các nước trong và ngoài OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa) cũng đẩy mạnh khai thác, doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ cũng đẩy mạnh khai thác, nên giá dầu khó tăng cao.
Theo ông, với mức tăng GDP 6 - 7%/năm, Việt Nam có cơ hội rút ngắn khoảng cách với các nước trên thế giới?
Ổn định kinh tế vĩ mô mới là quan trọng nhất. Chính vì vậy, nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm được Quốc hội thông qua bao giờ cũng đặt yêu cầu “bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô” lên hàng đầu, sau đó là “kiểm soát lạm phát” và cuối cùng mới là “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Doanh nghiệp trong và ngoài nước chỉ bỏ vốn ra sản xuất, kinh doanh khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, vì khi đó, doanh nghiệp mới xác định được kế hoạch, chiến lược hoạt động trong dài hạn. Ngược lại, nếu không bảo đảm được kinh tế vĩ mô ổn định, doanh nghiệp chỉ đầu tư ngắn hạn, lướt sóng vào các kênh có khả năng đem lại lợi ích cao trong ngắn hạn như bất động sản, vàng, chứng khoán, ngoại tệ… Và khi cơ hội qua đi, nhà đầu tư bán tháo, nên sẽ tác động ngay đến lạm phát, lãi suất, tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, theo tôi, tăng trưởng ổn định mới là quan trọng nhất, còn tăng trưởng đột biến nhiều khi lại tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Thưa ông, việc Hoa Kỳ tăng thuế đối với hàng loạt sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tác động ra sao tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa?
Trước mắt, Hoa Kỳ sẽ tăng thuế đối với mặt hàng thép, nhôm và cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng hoạt động xuất khẩu của nước ta cũng không bị tác động nhiều, vì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thép vào Hoa Kỳ không lớn. Công ty Formosa chủ yếu sản xuất thép cao cấp, mặt hàng mà Việt Nam đang phải nhập khẩu, nên chắc chưa có ý định xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Mặt hàng nhôm Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng không nhiều lắm. Chỉ có mặt hàng cá da trơn, nếu Hoa Kỳ tăng thuế thì chúng ta bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được 11 nước thành viên ký kết hôm 8/3/2018 sẽ mở đường cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến được ký kết trong năm nay cũng sẽ giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam này.
Hoa Kỳ không chỉ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, mà cũng có động thái tương tự với nhiều đối tác khác. Theo nguyên tắc có đi có lại, các nước cũng sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, nên đây là cơ hội để hàng hóa Việt Nam vào các thị trường khác.