Thời sự
Quan trọng nhất là giành lại sự sống bệnh nhân sởi
Phan Long - 29/04/2014 21:17
() Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã rơm rớm nước mắt tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4 (29/4) khi nói về các bệnh nhân sởi. Theo bà Tiến, lúc này, quan trọng nhất là điều trị hiệu quả cho các bệnh nhi bị sởi nặng và hàng trăm bệnh nhân khác.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
"Chỉ cần đi qua đầu giường là đã lây sởi"
4 biện pháp phòng chống dịch sởi trong dịp nghỉ lễ 30/4-01/5
Bộ trưởng Y tế: "Sởi có thể tăng trở lại dịp nghỉ lễ"

Dường như đã lường trước được vấn đề sẽ được báo chí hỏi dồn về các vấn đề liên quan đến dịch sởi, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa diễn ra, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tỏ ra khá điềm tĩnh khi trả lời các phóng viên.

   
  Việc quan trọng của ngành y tế lúc này là điều trị hiệu quả cho các cháu nhỏ đang mắc sởi nặng cũng như các bệnh nhân sởi khác  

Tuy nhiên, trước câu hỏi khá thẳng thắn của phóng viên về trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng trong việc bùng phát dịch sởi khiến hơn 100 trẻ em thiệt mạng và có nghĩ đến việc từ chức hay không, bà Tiến đã rơm rớm nước mắt.

Dù vậy, chỉ những người ngồi khá gần hàng ghế của bà Tiến mới có thể nhận thấy được điều này.

Nữ Bộ trưởng Y tế cũng đã nhanh chóng lấy lại được bình tĩnh và khẳng định: “Tôi chưa nghĩ đến việc từ chức lúc này”.

Bà Tiến cho rằng, việc quan trọng lúc này làm sao giành giật sự sống cho 20 cháu mắc sởi nặng đang điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương và 7 cháu tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cũng như điều trị cho hàng trăm cháu khác nhẹ hơn.

Ngoài ra, còn phải chuẩn bị các biện pháp đề phòng để đối phó với nguy cơ dịch chân tay miệng có thể bùng phát theo chu kỳ khi mùa hè đang đến gần.

“Về việc từ chức, tôi nghĩ rằng mình đã làm đầy đủ trách nhiệm và sẽ luôn cố gắng hết mình với niềm đam mê nghề nghiệp. Tuy nhiên, nếu trong quá trình làm việc mà không hoàn thành nhiệm vụ và được yêu cầu, tôi sẽ vui vẻ chấp hành theo đúng quy trình bổ nhiệm, bãi nhiệm cán bộ”.

Liên quan đến trách nhiệm của toàn ngành y tế cũng như những kinh nghiệm phòng, chống dịch rút ra từ dịch sởi, bà Tiến cho rằng, dịch sởi bùng phát có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong đó, nguyên nhân khách quan là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus bùng phát cũng như việc bệnh nhi tập trung quá đông lên tuyến đầu, khiến bệnh viện quá tải, dẫn tới lây nhiễm chéo.

Còn nguyên nhân chủ quan lớn nhất là do công tác truyền thông cả trước và trong dịch không tốt. “Truyền thông kém nên tỷ lệ tiêm chủng sởi thấp, khiến phần lớn số trẻ tử vong vừa qua chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ”.

Do đó, Bộ Y tế đã vừa thành lập một vụ mới là Vụ Truyền thông nhằm làm tốt hơn công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả của y tế dự phòng, bởi “phòng được bệnh sẽ tốt hơn chữa bệnh”.

Đối với câu hỏi của phóng viên về việc liệu có quy trách nhiệm đối với bệnh viện Nhi Trung ương khi để các cháu lây nhiễm chéo cũng như tỷ lệ tử vong do sởi cao hay không, Bộ trưởng Tiến nhắc lại việc các bác sỹ điều trị của viện Nhi thời gian qua đã làm việc rất vất vả, quá sức.

“Hiện tại các bác sỹ vẫn phải tiếp tục làm việc căng thẳng dù đỉnh dịch đã qua, cũng như bệnh nhân không còn dồn về nữa, nhưng việc lớn nhất lúc này vẫn là lo cho sinh mạng của các cháu. Việc quy trách nhiệm hay không chúng tôi sẽ bàn tới khi dịch qua đi”, Bộ trưởng Tiến nói.

Rơi nước mắt cảnh các cháu nhỏ gồng mình chống dịch sởi

(Baodautu.vn) Thời điểm này, có vẻ như dịch sởi đã qua đỉnh, những con số trẻ tử vong vì sởi đã có lúc chững lại. Ai cũng mong đó là con số cuối cùng, nhưng nhìn những sinh linh bé bỏng đang gồng lên chống lại bạo bệnh khiến không ít người rơi nước mắt. Những nỗ lực của ngành y đã và đang giúp các gia đình, các cháu nhỏ đang phải chống chọi với dịch sởi mỗi ngày thêm những hy vọng.

Tin liên quan
Tin khác