Du lịch
Quảng bá du lịch có điểm nhấn nhằm hút khách quốc tế
Hồ Hạ thực hiện - 18/12/2022 12:18
Theo ông Tưởng Hữu Lộc, Phó viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng, Tổng giám đốc Tam Anh Group, cần phải quảng bá du lịch Việt Nam có điểm nhấn, như các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao tầm cỡ thế giới… để thu hút du khách quốc tế.
 Ông Tưởng Hữu Lộc, Phó viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng, Tổng giám đốc Tam Anh Group.

Thưa ông, sau hơn 2 năm “ngấm đòn” Covid-19, toàn bộ hoạt động du lịch đã được mở lại từ ngày 15/3/2022. Ông đánh giá thế nào về sự phục hồi của ngành kinh tế xanh của Việt Nam trong năm 2022?

Có thể nói, năm 2022 là năm phục hồi của du lịch Việt Nam. Mùa hè năm nay, du lịch nội địa rất sôi động và có sự chuyển dịch rất lớn. Các dòng khách đổ về Phú Quốc đông đảo, kế đến là Đà Lạt, Sa Pa, Bình Định, Quảng Ninh, Nha Trang…

Những chỉ số về lượng khách, số lượt bay rất cao, song cũng phải nhìn nhận rằng, ngành du lịch đang rất khó khăn trong việc phục hồi, khi mà lượng nhân sự trong ngành đang bị thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao. 

Trong khi đó, thị trường khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam chịu tác động lớn từ xung đột chính trị trên thế giới, chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc, lạm phát…

Do giá vé của các đường bay quốc tế đang rất cao, nên lượng khách Âu - Mỹ vào Việt Nam còn thấp, chủ yếu là khách lẻ, khách đoàn chỉ đạt khoảng 30 - 40% so với trước dịch. Họ cũng đi ngắn ngày hơn, mức chi tiêu thấp hơn mọi năm.

Các tour khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound) phục hồi rất chậm, do các hệ thống kết nối về đường bay cũng như chính sách visa và các quy định ở nhiều quốc gia chưa hấp dẫn du khách.

Những thị trường mới như Ấn Độ hay Trung Đông còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Làm thế nào để Việt Nam có thể thu hút những thị trường này, thưa ông?

Ấn Độ và Trung Đông là những thị trường rất tiềm năng. Tuy nhiên, văn hóa của người Ấn Độ và người Trung Đông mang những nét đặc thù rất khác biệt so với người Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung. Nếu muốn đón dòng khách này lâu dài, thì chúng ta phải lựa chọn phân khúc khách hàng và nghiên cứu văn hóa của họ. Bên cạnh đó, phải có hệ thống hạ tầng tốt, từ vận chuyển đến lưu trú và đội ngũ được đào tạo thường xuyên.

Mặt khác, chúng ta cần lựa chọn tệp khách hàng ở phân khúc khách cao hơn, vì thực tế thời gian qua, một số đoàn khách Ấn Độ chi tiêu khá thấp. Trong khi đó, chi phí vận hành cơ bản về đào tạo nhân sự, khu lưu trú, nhà hàng phục vụ du khách Ấn Độ bị đội lên cao, do đặc thù về thói quen ẩm thực, xức dầu thơm… của họ khó hoà hợp với các thị trường du khách quốc tế khác. Nếu không nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, có thể dẫn đến thu không đủ bì chi.

Sắp đến kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch, nhưng lượng khách châu Âu và Mỹ đến Việt Nam vẫn rất ít. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để có thể thu hút được ở dòng khách này trong thời gian tới?

Đối với thị trường khách châu Âu và Mỹ, cần phải tạo ra sự kết nối về chính trị, văn hóa và kinh tế để thúc đẩy du lịch.

Một thông tin tôi muốn chia sẻ là phía Mỹ đã có thư mời các đơn vị lữ hành quốc tế lớn đến Việt Nam và gặp các đối tác Mỹ để có những kết nối mạnh mẽ hơn vào tháng 5/2023. Tôi nghĩ rằng, cần phải có sự hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch của hai nước cũng như hợp tác của các hãng hàng không và chọn lọc ra những thị trường tiềm năng để kết nối du khách đến Việt Nam. Đó là một trong những việc cần phải ưu tiên.

Ở Việt Nam hiện nay, Covid-19 gần như không còn là trở ngại với sự phát triển ngành kinh tế xanh nữa. Do đó, chúng ta phải tạo ra những điểm nhấn, như các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao tầm cỡ thế giới để thu hút khách du lịch từ Mỹ, châu Âu. Cơ bản là công tác marketing phải tạo ra những điểm nhấn để họ thấy được những điểm khác biệt, hấp dẫn của du lịch Việt Nam, hoặc những chính sách ưu đãi...

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam vẫn là điểm yếu. Chúng ta cần đổi mới như thế nào trong thời gian tới để đạt hiệu quả cao nhất, thưa ông?

Theo tôi, cần có sự đồng hành của Tổng cục Du lịch, các hiệp hội du lịch với các đơn vị đang kinh doanh dịch vụ du lịch để cùng theo đuổi một chiến lược tổng thể quảng bá, xúc tiến du lịch. Như vậy sẽ hiệu quả hơn so với từng đơn vị triển khai đơn lẻ.

Chúng ta hãy nhìn vào những quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore…, họ có những mục tiêu rất rõ ràng, chi ngân sách quảng bá, xúc tiến du lịch rất lớn và có trọng tâm. Chỉ khi có sự cộng hưởng cả đường bay và kế hoạch marketing, thì mới tạo ra hiệu ứng tốt để du khách thấy ấn tượng và muốn đến Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác