Thời sự
Quảng Bình đổi mới cách tiếp cận, cầu thị và chủ động xúc tiến đầu tư
Nhiệt Băng thực hiện - 25/03/2022 09:11
Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình chia sẻ về định hướng thu hút đầu tư và những đổi mới trong tư duy, cách thức xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng Bình.
Ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Thưa ông, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Bình có thay đổi, điều chỉnh kịch bản phát triển kinh tế?

Trong các năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương điều bị ảnh hưởng, nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Với sự vào cuộc kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hệ thống chính trị, dịch bệnh được khống chế nhanh chóng, hoạt động kinh tế và sản xuất, kinh doanh được duy trì.

Cơ bản, chúng tôi không thay đổi mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Đó là đưa Quảng Bình thành địa phương phát triển khá ở khu vực Bắc Trung bộ vào năm 2025.

Trong năm 2022, tỉnh sẽ tăng tốc hơn, tập trung cao độ hơn trong việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ở tất cả các lĩnh vực, nhưng cách tiếp cận sẽ có đổi mới. Trong đó, tập trung chính vào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, đặc biệt là thủ tục hành chính.

Tại Quảng Bình, dự án đầu tư công hay dự án tư nhân đều được ứng xử như nhau.

Chọn TP.HCM để tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư khởi đầu cho năm 2022, ông có thể cho biết, hội nghị lần này có điểm gì khác biệt so với sự kiện được tổ chức năm 2021?

So với các năm trước, năm 2022, chúng tôi thay đổi cách tiếp cận trong xúc tiến đầu tư.

TP.HCM là nơi hội tụ các nhà đầu tư năng động nhất trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, du lịch... Lần này, chúng tôi thể hiện tinh thần cầu thị, chủ động đến trực tiếp gặp, mời gọi nhà đầu tư, chứ không “ngồi một chỗ” để đợi họ tìm đến.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, các doanh nghiệp ở phía Nam, trong đó có TP.HCM, bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng đang lấy lại đà hồi phục. Nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh để bù đắp lại những tổn hại do dịch bệnh gây ra.

Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2022 ở TP.HCM là cần thiết, hợp lý.

Quảng Bình đang có những điều kiện thuận lợi và đột phá quan trọng về hạ tầng (sân bay, đường cao tốc...). Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành kế hoạch, ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về cơ hội từ các dự án này đối với tỉnh nhà? Quảng Bình sẽ làm gì để tận dụng hiệu quả cơ hội này?

Sân bay, cảng biển, đường cao tốc là kết cấu hạ tầng đặc biệt quan trọng của quốc gia. Quảng Bình may mắn có được yếu tố này, nhất là cao tốc Bắc - Nam dài gần 140 km đi qua Quảng Bình chuẩn bị triển khai; sân bay Đồng Hới sẽ sớm được nâng cấp; các cảng biển, như cảng Hòn La, cũng có kế hoạch đầu tư bài bản.

Những công trình hạ tầng mang tính quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh khi hoàn thành sẽ tạo kết nối thuận lợi, rút ngắn thời gian đi lại. Việc kết nối này không chỉ ở trong nước, mà cả ngoài nước. Khách du lịch quốc tế có thể đến Quảng Bình dễ dàng hơn, thuận lợi hơn.

Trước mắt, tỉnh tập trung hỗ trợ cao độ, để các công trình hạ tầng được thực thi nhanh chóng nhất, đảm bảo đúng chất lượng và tiến độ. Chúng tôi cũng gắn kết các công trình hạ tầng của địa phương với hạ tầng giao thông quốc gia để kết nối các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị...

Hiện Quảng Bình đã sẵn sàng để phục hồi du lịch quốc tế, đón du khách đến tham quan Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, “vương quốc hang động”…

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, như tuyến đường ven biển, tạo động lực để phát triển du lịch, bất động sản

Trải qua các đợt dịch Covid-19, chúng tôi nhận thấy, hạ tầng y tế rất quan trọng. Vì thế, tỉnh mời gọi đầu tư 2 bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đầu tư nhà thi đấu thể thao phục vụ đời sống nhân dân hoặc sân golf do tư nhân đầu tư…

Điểm nhấn của Quảng Bình là du lịch, năng lượng và phát triển hạ tầng đô thị (bất động sản). Theo ông, sự phát triển các lĩnh vực này đã xứng tầm?

Mấy năm qua, các lĩnh vực du lịch, năng lượng, bất động sản tại Quảng Bình có những bước phát triển, tăng trưởng, nhưng thực sự chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Giai đoạn tới, Quảng Bình còn rất nhiều dư địa để thu hút nhà đầu tư trong các lĩnh vực này.

Thưa ông, mời gọi nhà đầu tư đã khó, nhưng “giữ chân” nhà đầu tư gắn bó với địa phương lâu dài còn là “bài toán” khó hơn nhiều lần. Tỉnh Quảng Bình định hướng như thế nào về vấn đề này và muốn gửi thông điệp gì đến các nhà đầu tư?

Xúc tiến đầu tư mới là bước đầu, còn sau đó là cả một quá trình. Quan trọng nhất là thuyết phục nhà đầu tư đến đầu tư, xây dựng dự án, cùng địa phương phát triển. Để làm được điều đó, các sở, ngành phải thay đổi nhận thức, đồng hành với nhà đầu tư.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần này, chúng tôi mời các doanh nghiệp đã đầu tư thành công ở Quảng Bình tới chia sẻ kinh nghiệm, thuyết phục các doanh nghiệp khác đến đầu tư. Ví dụ, Dự án Cụm trang trại điện gió B&T đã hoàn thành 60 trụ tua-bin chỉ trong 10 tháng, trong điều kiện rất khó khăn do tác động của dịch bệnh. Điều này cho thấy, cung cách phục vụ nhà đầu tư của chính quyền tỉnh Quảng Bình đã có sự thay đổi theo hướng thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Chúng tôi không chỉ quan tâm đến các nhà đầu tư có uy tín, đảm bảo năng lực tài chính, mà còn rất chú trọng tới các nhà đầu tư có thể khai phá thị trường, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.

Tỉnh Quảng Bình hoan nghênh tất cả các nhà đầu tư đến với địa phương và không phân biệt đối xử. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Quảng Bình đều nhận được sự quan tâm, đồng hành từ cấp cao nhất đến cấp sở, ban, ngành.

Tin liên quan
Tin khác