Đầu tư
Quảng Bình khởi đầu chu kỳ phát triển mới
Nguyên Đức - 20/01/2021 13:20
Bằng việc khởi động Dự án Tuyến đường ven biển - cầu Nhật Lệ 3 và Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không Đồng Hới, Quảng Bình đang bắt đầu một chu kỳ phát triển mới.

Với việc bấm nút khởi động hai dự án động lực, trao chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 37 dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 6,1 tỷ USD, Quảng Bình đang bắt đầu một chu kỳ phát triển mới.

Bấm nút khởi đầu chu kỳ phát triển mới

Một hoạt động ý nghĩa tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Bình, diễn ra chiều 17/1, đó là các lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương đã cùng đặt tay lên những quả cầu lấp lánh và bấm nút khởi động hai dự án động lực của tỉnh. Hai dự án này gồm Dự án Tuyến đường ven biển - cầu Nhật Lệ 3 và Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không Đồng Hới.

Ðây là hai dự án có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Bình trong thời gian tới, mở ra nhiều cơ hội lớn, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến khảo sát, triển khai các dự án trong các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh, như năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…

Việc bấm nút khởi động hai dự án trọng điểm có ý nghĩa như một sự khởi đầu cho một chu kỳ phát triển mới của Quảng Bình. Ảnh: Đoàn Bắc

Nhưng hơn cả ý nghĩa của sự khởi động hai dự án trọng điểm, “cú” bấm nút ấy giống như một sự khởi đầu cho một chu kỳ phát triển mới của Quảng Bình, địa danh từng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví như “viên kim cương màu xanh” của châu Á, với những giá trị huyền bí cần được khai phá.

Chính Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng đã nhấn mạnh điều này. Ông nói rằng, Hội nghị Xúc tiến đầu tư mà Quảng Bình tổ chức ngay từ những ngày đầu năm mới 2021 là “điểm khởi đầu” cho một chu kỳ phát triển mới của tỉnh, khi nhiều dự án hạ tầng động lực quan trọng được khởi động, nhiều dự án thương mại, dịch vụ khác được khởi công và hàng loạt dự án đầu tư mới được trao chủ trương đầu tư hay biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác.

Về Quảng Bình nắm giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy vào thời điểm cả đất nước nói chung, Quảng Bình nói riêng đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới, ông Vũ Đại Thắng và các lãnh đạo tỉnh đã cùng nuôi khát vọng đưa “viên kim cương xanh” Quảng Bình trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực Duyên hải miền Trung, là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã vạch rõ các mục tiêu này. Rằng Quảng Bình quyết tâm tạo các đột phá chiến lược, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa công nghiệp thành ngành kinh tế trọng điểm… Cùng với đó, sẽ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, văn minh, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân…

Từng nghe, có khát vọng lớn, mục tiêu lớn chính là bước đầu tiên quan trọng nhất cho sự phát triển đột phá của một vùng đất. Nhưng không chỉ có khát vọng lớn, mà Quảng Bình đã bắt đầu đi những bước đầu tiên để hiện thực hóa khát vọng đó bằng việc tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn…

“Quảng Bình được ví như viên kim cương màu xanh của châu Á, với các giá trị huyền bí cần được khám phá. Vì thế, chúng ta cần những bàn tay khéo léo, có nhãn quan, có tư duy, có tầm nhìn, có trách nhiệm, đồng thời phải biết mời chọn những người thợ giỏi, đó là những nhà đầu tư có năng lực, có tài, có tâm, có tầm để ‘viên kim cương màu xanh’ được tỏa sáng. Và hôm nay chính là lúc chúng ta tìm người thợ giỏi và bàn tay khéo léo”, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã nói vậy.

Tìm những người “thợ” giỏi

Sự có mặt của hơn 500 khách mời tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Bình chính là minh chứng rõ nét nhất cho sức hấp dẫn của tỉnh này.

Có mặt tại Hội nghị, ông Shin Byung Chul, Phó chủ tịch cấp cao Hanwha Energy, kiêm Tổng giám đốc Hanwha Energy Việt Nam (Tập đoàn Hanwha - Hàn Quốc) thực tâm chia sẻ, ông đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế của vùng đất này, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, du lịch. Đó là lý do vì sao lần này, Hanwha Energy quyết định ký một biên bản ghi nhớ với Quảng Bình về phát triển năng lượng sạch.

“Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm qua. Hy vọng trong những năm tới, chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam”, ông Shin Byung Chul nói.

Còn ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội nhấn mạnh, Quảng Bình có tiềm năng rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài và JETRO sẽ cung cấp nhiều hơn các thông tin về Quảng Bình cho các nhà đầu tư Nhật Bản. “Hy vọng tới đây, sẽ có thêm nhiều nhà máy của doanh nghiệp Nhật được mở ở các khu vực ngoài Hà Nội và TP.HCM”,  ông Nakajima Takeo chia sẻ.

Chúng tôi sẽ chuyển đổi triệt để và thực chất phong cách làm việc từ ‘quản lý’ sang ‘phục vụ’ người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm cho công cuộc phát triển của địa phương…

- Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình

 

Hơn cả lời chia sẻ, các khẳng định về việc “chúng tôi sẽ tới đây, sẽ ở đây” đã được hiện thực hóa bằng 37 dự án được trao chủ trương đầu tư và biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đầu tư ngay tại Hội nghị, với tổng vốn đầu tư trên 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD. Trong số đó, rất nhiều dự án quy mô lớn, hứa hẹn mang tới cho Quảng Bình một cơ hội phát triển mới…

Nhiệt điện Quảng Trạch II, vốn đầu tư 48.000 tỷ đồng, là một ví dụ. Dự án này vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư, trong khi Nhiệt điện Quảng Trạch I đã sẵn sàng để khởi công xây dựng. Một khi hai dự án này thành hình, cùng với hàng loạt dự án điện gió đã được cấp phép và triển khai, cũng như một dự án điện khí mà Quảng Bình đang mong muốn thu hút đầu tư, thì vùng đất này sẽ trở thành một trung tâm năng lượng lớn của miền Trung, đúng như mục tiêu đã đặt ra.

Và tất nhiên, không chỉ có điện. Hàng loạt dự án khác cũng đang được chuẩn bị, mà nếu triển khai thành công, sẽ mang tới cho Quảng Bình một diện mạo hoàn toàn khác, như Dự án sân Golf Hải Ninh Trường Thịnh, vốn đầu tư 800 tỷ đồng; Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại và giải trí cao cấp Vĩnh Hưng, vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng; hay Khu đô thị Nam Cầu Dài, 2.200 tỷ đồng; rồi Bệnh viện đa khoa PACIFIC Quảng Bình, 1.500 tỷ đồng…

Đô thị có, bệnh viện có, bất động sản nghỉ dưỡng có… Thậm chí, ngay trước khi Quảng Bình “khai hội” xúc tiến đầu tư, Tập đoàn FLC cũng đã chính thức khởi công Tổ hợp khách sạn 5 sao và Trung tâm Hội nghị Quốc tế, hai hạng mục quan trọng của đại dự án FLC Quảng Bình, vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, cuối năm nay, tòa nhà khách sạn đầu tiên với quy mô 500 phòng và Trung tâm Hội nghị Quốc tế sẽ khánh thành, mang tới “làn gió mới” cho du lịch Quảng Bình. Thậm chí, bà Bùi Hải Huyền, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC còn nói, xây dựng dự án ở đây chính là cách để FLC giúp các du khách đến gần hơn với những “báu vật vô giá” của vùng đất Quảng Bình, như hang Sơn Đoòng, Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng…

Đánh thức “báu vật vô giá”

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá rất cao tiềm năng của vùng đất Quảng Bình. Ông không chỉ nhắc tới các di sản thiên nhiên, các hang động độc nhất vô nhị, mà còn cả rừng, cả biển, cả sân bay, bến cảng, cả đường bờ biển dài và hệ thống giao thông phát triển, nhất là sắp tới đây, cao tốc Bắc - Nam sẽ đi qua, để nói rằng, Quảng Bình có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, có thể trở thành trung tâm du lịch, có thể làm giàu từ biển…

Nhưng vì sao Quảng Bình phát triển chưa xứng với tiềm năng, lợi thế? Vì sao GRDP bình quân đầu người ở Quảng Bình chỉ đạt trên 47 triệu đồng/người/năm, thấp hơn bình quân của cả nước? Vì sao nơi này chưa có các dự án công nghiệp đủ lớn?...

Đó cũng là những câu hỏi khiến ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế day dứt. Ông nói, dù đã đạt những thành tựu đáng kể trong thời gian qua, nhưng Quảng Bình vẫn đang ở trình độ phát triển kém, thực lực yếu. Bằng chứng là quy mô doanh nghiệp chỉ “nhỏ li ti”, tuy có sân bay nhưng tần suất bay thấp, chưa có trung tâm phát triển đúng nghĩa. Ngay như Đồng Hới, chỉ là một thành phố xinh xắn, chứ chưa phải là một “trung tâm lớn”…

Vì thế, bài toán đặt ra với Quảng Bình, đó là phải có một mô thức phát triển mới, để “đánh thức” được các báu vật vô giá. Các báu vật này, với ông Thiên, không chỉ đơn thuần chỉ là những lợi thế vẫn được nhắc đến, mà quan trọng hơn, nằm ở chính những “đặc sản” của Quảng Bình, như gió, như cát, như nắng, như bão lụt…

“Đã đến lúc không thể phát triển theo kiểu cũ nữa, mà phải ‘đảo phách’ tư duy phát triển, đưa những bất lợi thế của mô thức phát triển cũ trở thành lợi thế phát triển, thậm chí là tuyệt đối, trong mô thức phát triển mới”, ông Thiên “hiến kế”.

“Đảo phách” phát triển trong trường hợp này, ở Quảng Bình, là biết biến những vùng đất cát rộng lớn khô cằn, biến nắng và gió - những yếu tố vốn làm cho Quảng Bình kém phát triển và khó phát triển suốt nhiều thế kỷ - thành nguồn lực quý báu để phát triển năng lượng tái tạo và xây dựng các sân golf và khu du lịch độc đáo. Biến “xứ sở của núi đá vôi” khó phát triển thành “xứ sở của đệ nhất hang động”, giống như cách mà Quảng Ninh đã làm với Vịnh Hạ Long, hay Ninh Thuận đã làm với cát, với nắng, với gió…

Bằng cách ấy, bao gồm cả việc tận dụng lợi thế đặc biệt của Đồng Hới, khi có dòng sông Nhật Lệ chảy song song bên bờ biển, chia TP. Đồng Hới làm hai dải dọc sông, giống như Đà Nẵng 20 năm trước, nhưng lại hơn Đà Nẵng ở lợi thế đi sau, ông Thiên cho rằng, Quảng Bình có thể “xoay chuyển” cục diện phát triển của địa phương.

“Bày cách” thế, song ông Thiên vẫn băn khoăn: liệu Quảng Bình thực sự có khát vọng phát triển đủ mạnh, có nuôi “chí” đủ lớn và có đủ tài “thật” để bay lên không? Và có biết cách để kéo các nhà đầu tư tham gia cuộc chơi lớn hết mình với Quảng Bình hay không?

Những câu hỏi lớn, thật hay và không dễ trả lời. Nhưng đã thấy quyết tâm lớn ở những nhà lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Kết thúc Hội nghị, ông Vũ Đại Thắng đã nói: “Ngay sau Hội nghị, chúng tôi sẽ triển khai ngay những giải pháp hướng đến môi trường đầu tư thân thiện, an toàn, công khai, minh bạch; đến việc xây dựng các chính sách, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững...”.

Không có con đường nào là dễ dàng, nhưng như Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nói, với những tiềm năng và lợi thế của mình, với tư duy và cách làm mới, sáng tạo, với lời hứa đầu tư và những cam kết nguồn lực tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, chắc chắn Quảng Bình sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới.

Quảng Bình đang thực sự bước vào một chu kỳ phát triển mới!

Tin liên quan
Tin khác