Nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) tại Quảng Nam tiếp tục lâm vào bế tắc khi toàn bộ hàng hóa là nguyên liệu sản xuất của Nhà máy đã bị kê biên.
Trong văn bản gửi chính quyền tỉnh Quảng Nam, bà Vũ Thị Hồng Bích – Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Thương mại Tân Tiến cho biết, Công ty chiếm 50% cổ phần tại Công ty Cổ phần Sản xuất Sô đa Chu Lai. Đồng thời là nhà đầu tư, hợp tác với Công ty Sô đa Chu Lai để vận hành, sản xuất và kinh doanh tại nhà máy.
Công ty Sô đa Chu Lai đầu tư xây dựng nhà máy từ năm 2010. Tuy nhiên nhà máy không thể hoạt động được do chưa đủ điều kiện về môi trường, không đảm bảo về kỹ thuật, trang thiết bị máy móc, không có nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất.
Đến năm 2018, Nhà máy không hoạt động, Công ty Sô đa Chu Lai không có nguồn trả nợ, gây thất thoát tiền vốn vay nên ngân hàng đã khởi kiện để thu hồi khoản nợ hơn 2.200 tỷ đồng.
Các bên sau đó đã thống nhất tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2018/QĐST-KDTM, ngày 09/02/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Sau thoả thuận này Công ty Tân Tiến được mời tham gia xây dựng tiếp nhà máy, trở thành Nhà đầu tư mới.
Theo phản ánh của Công ty Tân Tiến, từ tháng 4/2018, doanh nghiệp này đã đầu tư vào nhà máy hơn 1.000 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2021, Nhà máy vận hành thử nghiệm đạt, Công ty Sô đa Chu Lai ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Tân Tiến đề doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư. Sau đó, Cục thi hành án Dân sự tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Thi hành quyết định của toà. Các bên tiếp tục thống nhất trên cơ sở tự nguyện thi hành án và đã ra Biên bản Thỏa thuận thi hành án.
Nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai tại Quảng Nam |
Theo thoả thuận, công ty Tân Tiến được quyền triển khai hoạt động, quản lý nhà máy 21 năm; được bàn giao đầy đủ trang thiết bị, nguyên liệu sản xuất và có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, Công ty Tân Tiến không thể thực hiện được Biên bản thỏa thuận thi hành án.
Lý do vào tháng 2/2022, Cục thi hành án Dân sự tỉnh Quảng Nam đã kê biên toàn bộ hàng hóa là nguyên liệu sản xuất, có giá trị trên 231 tỷ đồng.
Vì vận hành nhưng không có nguyên liệu sản xuất để có nguồn tài chính trả theo thỏa thuận, nên Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Quảng Nam đã tiến hành các thủ tục Thi hành án.
Theo công ty Tân Tiến, Nhà máy sô đa Chu Lai phải vận hành liên tục không được dừng, nên mỗi tháng doanh nghiệp vận hành duy trì với kinh phí khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Sau nhiều lần họp bàn tháo gỡ giữa các bên, gồm người phải thi hành án, người được thi hành án và người có quyền lợi nghĩa vụ cũng như các bên liên quan, đều thống nhất yêu cầu Cục Thi hành án dân dự tỉnh Quảng Nam sớm kê biên và giao nhà máy cho Công ty Tân Tiến duy trì, vận hành sản xuất.
Dù nhiều lần đốc thúc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam nhưng chấp hành viên không thực hiện.
Vì vậy, Công ty Tân Tiến đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Tư pháp và Tổng Cục THADS chỉ đạo Chấp hành viên và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam thực hiện việc kê biên toàn bộ tài sản của Nhà máy Sô đa Chu Lai để đảm bảo quyền và lợi ích của công ty…
Trước kiến nghị của doanh nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Tỉnh, yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh kiểm tra, giải quyết kiến nghị của Công ty Tân Tiến.