UBND tỉnh Quảng Nam vừa đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc tại các quy định pháp luật hiện hành về điện mặt trời mái nhà.
Về pháp lý của các hệ thống điện mặt trời mái nhà, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, theo Quyết định số 13/2020/QĐTTg ngày 0/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng về trình tự, thủ tục đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà (giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh, giấy phép về môi trường...), cũng như quy định về việc xử lý các hệ thống điện mặt trời mái nhà không đảm bảo các quy định của pháp luật, dẫn đến trên địa bàn tỉnh, rất nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa thể thực hiện các thủ tục nêu trên.
Việc phát triển điện mặt trời áp mái đã giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn điện, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi giá năng lượng đang tăng rất cao và nguy cơ có thể thiếu điện trong thời gian tới. Đồng thời, một tiêu chí mà chúng ta đang áp dụng đó là “sản xuất xanh”, đây cũng là xu hướng mà thế giới đang hướng tới, nhất là trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may… Do đó, việc sử dụng điện mặt trời sẽ giúp thúc đẩy sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng của Bộ Công thương gần đây cũng chỉ đề cập đến đối tượng là mái nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp, mà không có các công trình hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ năng lượng lớn như trường học, bệnh viện, khách sạn, nhà máy trong khu cụm công nghiệp…
Việc bỏ các đối tượng có nhu cầu phát triển “xanh” ngoài cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu là chưa phù hợp thực tế.
UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà (giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh, giấy phép về môi trường...), cũng như hướng dẫn cụ thể các chế tài xử lý đối với các dự án điện mặt trời mái nhà không đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp mong muốn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự tiêu thụ, nhằm tăng tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, đề nghị trong cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng của Chính phủ cần bổ sung đối tượng là công trình hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ năng lượng lớn như: trường học, bệnh viện, khách sạn, nhà máy trong khu cụm công nghiệp…