Đầu tư
Quảng Nam ưu tiên phát triển công nghiệp và dịch vụ
Hoàng Thủy - 23/04/2016 08:12
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đã xây dựng quy hoạch 6 nhóm kinh tế động lực để kích hoạt tiềm năng của địa phương, từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế toàn diện.
TIN LIÊN QUAN

Quảng Nam đang có những bước tiến vững chắc, mang tính toàn diện cả về kinh tế và xã hội. Ông có thể cho biết lợi thế nào giúp địa phương đạt được kết quả như vậy?

Là một trong những tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam sở hữu đầy đủ những tiềm năng và lợi thế của địa phương duyên hải. Quảng Nam lâu nay được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là địa phương duy nhất trên cả nước sở hữu hai di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp cổ Mỹ Sơn. Đặc biệt, Quảng Nam là địa phương đầu tiên được Trung ương chọn thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai, là khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực.

Xét về địa lý, Quảng Nam có vị trí mang tính chiến lược, kết nối các địa phương khác cũng như quốc tế. Cụ thể, phía bắc giáp TP. Đà Nẵng, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi, nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây, thuận lợi cho vận chuyển bằng đường bộ sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và đường biển sang các nước khác thuộc ASEAN, Đông Á…

.

Hạ tầng của tỉnh khá đồng bộ, bên cạnh các tuyến huyết mạch giao thông như Quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi, đường ven biển Đà Nẵng - Hội An - Chu Lai, đường sắt Bắc - Nam… Quảng Nam còn rất thuận lợi khi nằm giữa hai sân bay lớn là Sân bay quốc tế Đà Nẵng và Sân bay Chu Lai, trong đó Sân bay Chu Lai được quy hoạch thành sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế cấp 4F và là trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay hạng nặng duy nhất tại Việt Nam.

Tận dụng tiềm năng và lợi thế mang tính đặc thù, bên cạnh vận dụng những chính sách ưu đãi đầu tư chung của Chính phủ, Quảng Nam đã chủ động xây dựng những chính sách hỗ trợ nhà đầu tư linh hoạt, cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng… Trên cơ sở đó, Quảng Nam đã thu hút được những dự án đầu tư hiệu quả như Nhà máy Ô tô Trường Hải, Kính nổi Chu Lai, Gạch men Đồng Tâm, các dự án du lịch lớn của Indochina Capital, VinaCapital, Victoria, Golden Sand, Palm Garden… tạo nên những bước phát triển bền vững cho địa phương.

Để phát huy tiềm năng và lợi thế trên, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào những lĩnh vực nào và định hướng phát triển ra sao, thưa ông?

Về định hướng kêu gọi đầu tư, Quảng Nam tiếp tục tập trung thu hút những lĩnh vực phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương như công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, điện tử, dệt may, da giày, công nghiệp chế biến các mặt hàng tiêu dùng, nông, lâm, thủy sản, vật liệu xây dựng. Thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Thu hút đầu tư hạ tầng du lịch và đô thị, bao gồm các khu đô thị, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn, dịch vụ…

Về định hướng phát triển, Quảng Nam ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Để đảm bảo hoàn thành định hướng này, tỉnh đã tiến hành quy hoạch phát triển địa phương thành hai vùng rõ rệt, bao gồm vùng đồi núi phía Tây và vùng ven biển phía Đông. Trong đó, vùng ven biển phía Đông được định hướng xây dựng thành Vùng kinh tế Đông Nam, trọng tâm là Khu kinh tế mở Chu Lai với 6 nhóm kinh tế động lực, được đánh giá sẽ tạo nên sự phát triển mang tính bước ngoặt cho Quảng Nam.

Ông có thể nói rõ hơn về vai trò động lực của Vùng kinh tế Đông Nam?

Vùng kinh tế Đông Nam thuộc không gian phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai, bao gồm 30 xã, phường, thị trấn của 4 huyện, thành phố: Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, với tổng diện tích khoảng 45.000 ha. Mục tiêu của tỉnh là xây dựng khu vực này trở thành một khu vực trọng điểm trong chuỗi kinh tế động lực Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Dung Quất.

Khu vực này sẽ phát triển theo hướng lấy công nghiệp chế xuất và dịch vụ đặc thù làm nền tảng, đón nhận dịch chuyển đầu tư từ các nước châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mục tiêu đến năm 2025, vùng Đông Nam trở thành khu vực phát triển năng động, là một trung tâm công nghiệp - du lịch - dịch vụ, góp phần quan trọng đưa Quảng Nam phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại. Đến năm 2025, vùng Đông Nam  sẽ là vùng động lực, đóng vai trò hạt nhân, đầu tàu kinh tế của tỉnh, có tên trên bản đồ phân công lao động và tham gia vào chuỗi giá trị trong khu vực và trên thế giới.

Để kích hoạt tiềm năng và lợi thế vùng Đông Nam, tỉnh đã xây dựng quy hoạch, đầu tư phát triển 6 nhóm kinh tế chủ lực, bao gồm: Nhóm dự án Khu đô thị - du lịch Nam Hội An; Nhóm dự án trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; Nhóm công nghiệp dệt may và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ; Nhóm dự án Chương trình phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với Sân bay Chu Lai; Nhóm dự án Khí - Điện và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí và Nhóm chương trình dự án hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tại vùng Đông Nam.

Tin liên quan
Tin khác