- Dự án nghìn tỷ ở Quảng Ngãi bị gián đoạn: Giải pháp nào thay thế cát xây dựng?
- Bác kháng cáo, buộc 5 nhà thầu bồi thường 460 tỷ đồng vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
- Dự án bất động sản làm 7 năm không xong: Quyết định chủ trương đầu tư chưa đúng
- Hàng chục cụm công nghiệp ở Quảng Ngãi thiếu hệ thống xử lý nước thải
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với tỉnh Quảng Ngãi. |
Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc
Ngày 27/6, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ngãi về sơ kết thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 và Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển công nghiệp, vai trò của ngành công nghiệp ngày càng được khẳng định, là động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp bình quân giai đoạn 2018 - 2023 đạt 8,5%/năm. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP năm 2018 đạt 37,5%, năm 2023 đạt 42,3%...
Tỉnh đã thành lập 6 khu công nghiệp trong khu kinh tế Dung Quất và 2 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế Dung Quất, với tổng diện tích hơn 2.000 ha, trong đó có 6 KCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; có 24 cụm công nghiệp diện tích 427 ha, trong đó có 2 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Từ năm 2018 đến nay, Quảng Ngãi đã thu hút 490 dự án công nghiệp.
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút 490 dự án công nghiệp. |
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị chỉ đạo; kịp thời cụ thể hóa thành các đề án, kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các Quy chế về ứng dụng công nghệ thông tin.
Đến nay, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thực hiện ứng dụng chứng thư số, chữ ký số. Hơn 66,4% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 72.35% doanh nghiệp tham gia Chương trình Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; 100% doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đạt hơn 35%...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành có liên quan đã kiến nghị những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong việc thực hiện Nghị quyết 23 và Nghị quyết 52 tại Quảng Ngãi. Trong đó, đối với Nghị quyết số 23, tỉnh kiến nghị Trung ương có cơ chế ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hằng năm cho Khu kinh tế Dung Quất tương ứng mức 10% - 15% số thu trên địa bàn nộp về Ngân sách Trung ương để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng; đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện giao thông từ cảng Dung Quất kết nối với các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 24.
Lãnh đạo các sở, ngành kiến nghị những vấn đề còn vướng mắc cần tháo gỡ. |
Đối với Nghị quyết 52, tỉnh kiến nghị cần có giải pháp tháo gỡ mắc mắc về cơ chế, chính sách chưa phù hợp với đặc thù triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên thực tế; quan tâm hỗ trợ kêu gọi thu hút các dự án liên quan đến công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Quảng Ngãi; ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp với thực trạng và nhu cầu của các doanh nghiệp và người dân, tạo động lực cho các chủ thể chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, Quảng Ngãi rất coi trọng các lĩnh vực: công nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… theo tinh thần của Nghị quyết 23 và Nghị quyết 52, để có tỷ trọng phát triển công nghiệp, cơ cấu phát triển công nghiệp như hiện nay, tỉnh đã kiên trì trong hơn 3 nhiệm kỳ điều đó thể hiện qua các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi mong rằng, trong thời gian tới, các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương, tiếp tục quan tâm, có định hướng để phát huy thế mạnh của địa phương; quan tâm hỗ trợ lại các nguồn thu từ KKT Dung Quất để Quảng Ngãi có điều kiện tái đầu tư cho KKT. Có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển Trung tâm năng lượng lọc hóa dầu Quốc gia.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi trong việc triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị tại địa phương. Mặc dù Nghị quyết 23 và Nghị quyết 52 được triển khai trong thời điểm tỉnh gặp nhiều khó khăn, song đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên các các lĩnh vực, góp phần trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội…
Đối với các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, rà soát, đánh giá và kiến nghị cụ thể với các Bộ, ngành Trung ương, phù hợp với cơ chế chính sách hiện nay.