Sau đại dịch Covid-19, các thị trường khách nước ngoài truyền thống của du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng có phần chững lại. Trong khi đó, du lịch Hồi giáo (ẩm thực Halal) lại có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và đây là dòng khách ngành du lịch Quảng Ninh ưu tiên hướng tới. Để nắm bắt cơ hội này, Quảng Ninh đã là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước tìm kiếm các giải pháp đón dòng khách đặc biệt này.
Bà Nguyễn Thị Huyền Anh, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết khách du lịch Hồi giáo đến Quảng Ninh chủ yếu từ Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ và khu vực Trung Đông. “Hiện tại, chúng tôi đã có buổi tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp có đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ dòng khách này. Như khách sạn Deanase đã bố trí khu vực riêng, có phòng nghỉ đáp ứng yêu cầu của khách Halal, phòng cầu nguyện cho khách. Với những nhà hàng có đầu bếp và có chứng nhận Halal...”, bà Huyền Anh chia sẻ.
Cùng trao đổi, tìm kiếm giải pháp thu hút khách du lịch Hồi giáo đến Quảng Ninh, các đại biểu dự Hội nghị đã có những thông tin khái quát về bức tranh tổng quan về “ẩm thực Halal”, việc sử dụng hiệu quả các giải pháp truyền thông trong thu hút và đón khách du lịch Hồi giáo...
Đại diện nhiều hãng lữ hành quốc tế lớn của Ấn Độ và Việt Nam đã phân tích điểm mạnh và những hạn chế về sản phẩm du lịch của Quảng Ninh, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch Hồi giáo trong bối cảnh hiện nay.
Các doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú ký biên bản ghi nhớ về tăng cường liên kết, hợp tác tăng thu hút khách du lịch Hồi giáo tới Quảng Ninh. Ảnh: Đào Linh. |
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Việc đầu tiên chúng ta phải hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của khách hồi giáo. Đặc biệt là ẩm thực, đồ uống và nhu cầu tiêu dùng. Cần đào tạo nguồn nhân lực du lịch có hiểu biết về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng và ngôn ngữ tiếng Ả-rập để trao đổi, giao tiếp. Có sự chuẩn bị về sản phẩm dịch vụ, phối hợp xúc tiến quảng bá tới những thị trường mục tiêu của người hồi giáo như Trung Đông, Nam Á...”
Dự kiến năm 2023, khoảng 140 triệu khách du lịch Hồi giáo sẽ đi du lịch ở các quốc gia trên thế giới và ước tính đến năm 2028, đạt khoảng 230 triệu lượt với mức chi tiêu sẽ có thể lên đến 225 tỷ USD. Hiện nay, tại Việt Nam mới có thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là những điểm du lịch chính đón dòng khách này.
Văn hoá ẩm thực của Việt Nam và của người Hồi giáo cũng được giới thiệu trong khuôn khổ của chương trình. |
Dựa trên những phân tích, chia sẻ của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch quốc tế, ngành du lịch Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai các giải pháp như phổ biến chứng nhận Halal tới các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực hiểu về văn hóa Halal; xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ thân thiện với khách du lịch Hồi giáo; đồng thời thúc đẩy hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp để đón khách du lịch Halal.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các cơ sở lưu trú và doanh nghiệp lữ hành đã ký kết biên bản ghi nhớ về thu hút đón tiếp khách du lịch Hồi giáo (khách du lịch Halal) đến Quảng Ninh.