Cửa mở ra thế giới
Hiếm có một công trình hạ tầng giao thông nào nhận được nhiều đánh giá tích cực của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (Hội đồng) gồm các chuyên gia đầu ngành xây dựng có tiếng là khắt khe như Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).
Trong Thông báo số 32/TB - HĐNTNN về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được phát hành hôm 19/12, Hội đồng ghi nhận toàn bộ các hạng mục khu bay gồm đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, hệ thống đèn hiệu khu bay…; hạng mục khu mặt đất trong đó có nhà ga, thiết bị chuyên dụng, cấp điện; tháp không lưu, đài hướng dẫn… tại sân bay Vân Đồn đã được hoàn thành. Các hạng mục phụ trợ như sân vườn, thoát nước cũng đã được các nhà thầu thi công hoàn thiện, đảm bảo yêu cầu thiết kế cũng như các tiêu chuẩn, kỹ thuật.
Đây là tiến độ được ông Lại Xuân Thanh, nguyên Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, người đang sắm vai Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, coi là “thần tốc”, hiếm có tại Việt Nam, nhất là đối với một công trình hạ tầng giao thông có quy mô vốn lớn, hiện đại và phức tạp về kỹ thuật như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Trên thực tế, nếu tính từ khi sân bay đầu tiên ở vùng Đông Bắc được khởi công trên vùng bãi sú vẹt vào tháng 9/2015 đến khi chiếc máy bay King Air B350 hạ cánh trên đường băng sân bay Vân Đồn trong niềm vui, sự hân hoan của lãnh đạo và người dân địa phương vào tháng 7/2018, thời gian thi công công trình chỉ mất chưa đầy 3 năm. Ba năm là quãng thời gian rất hữu hạn mà UBND tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư là Tập đoàn Sun Group hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, từ huy động vốn; san lấp mặt bằng, thi công đường băng dài 3,6 km đón được các tàu bay lớn nhất của ngành hàng không dân dụng thế giới; nhà ga 2 cao trình hiện đại, công suất 2,6 triệu hành khách/năm; đài kiểm soát không lưu, hệ thống sân đỗ tàu bay…
Không chỉ nhanh về tiến độ, kết quả kiểm định chất lượng công trình do Hội đồng công bố cho thấy, kích thước hình học, vật liệu đầu vào, thành phần hạt, độ chặt các lớp kết cấu mặt đường đã đáp ứng, thậm chí vượt yêu cầu của chỉ dẫn kỹ thuật. Hội đồng đánh giá kết cấu mặt đường sân bay đáp ứng được các yêu cầu khai thác theo thiết kế cũng như yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Đối với các kết cấu mái tôn, giàn mái, vách kính…, Hội đồng đánh giá là đáp ứng yêu cầu của chỉ dẫn kỹ thuật về khả năng chịu lực, kín nước. Bề mặt bê tông các cấu kiện phẳng, nhẵn, không thấy xuất hiện hư hỏng, lún, nứt. Các kết quả quan trắc được tư vấn thiết kế xem xét, đánh giá cho thấy, các hạng mục công trình không có biểu biện bất thường.
Được biết, kết quả đánh giá chất lượng công trình tiệm cận mức hoàn hảo này là một trong những cơ sở để sân bay Vân Đồn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố mở cảng, chính thức đón chuyến bay thương mại vào ngày 30/12/2018.
Cùng với Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18, đoạn Hạ Long – Mông Dương có tổng mức đầu tư 14.047 tỷ đồng được thông xe kỹ thuật vào ngày 30/12/2018, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính là sự cụ thể hóa quyết tâm kết nối Khu kinh tế Vân Đồn với khu vực và thế giới.
Hình mẫu mới
Mặc dù cơ quan nhà nước có thẩm quyền cả 3 công trình hạ tầng đưa vào khai thác là sân bay Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, bến du thuyền quốc tế đều là những người “tay ngang”, chưa có kinh nghiệm quản lý đầu tư, vận hành tại 1 công trình, dự án hạ tầng hàng không dân dụng và cao tốc, nhưng với sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo; sự vào cuộc nghiêm túc, công khai, minh bạch; luôn giữ chữ tín và những cam kết với nhà đầu tư…, Quảng Ninh đã thu hút được “sếu lớn” đầu đàn Sun Group về “làm tổ” thành công tại Vân Đồn.
Về vai trò của tư nhân trong xây dựng hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế, ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc đa dạng hóa hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân, là cần thiết, cũng là giải pháp tối ưu giảm áp lực lên ngân sách, thúc đẩy các dự án hạ tầng triển khai thuận lợi, chất lượng, đúng tiến độ.
Cũng theo ông Diện, sự thành công của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tạo niềm tin lớn về sự thông thoáng, ổn định trong cơ chế, chính sách của địa phương. Thời gian tới, cùng với hệ thống cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn đã được hoàn thiện, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ kết nối Vân Đồn (Quảng Ninh) với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các trung tâm kinh tế - du lịch trong khu vực. Mọi con đường dẫn đến Vân Đồn sẽ thuận lợi hơn, thời gian di chuyển được rút ngắn.
Tận mắt chứng kiến sự đổi thay ngoạn mục của hạ tầng giao thông vùng đất mỏ, trong chuyến công tác Quảng Ninh vào đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể khẳng định, thành công mà tỉnh có được chính là nhờ sự nhanh chạy, khéo léo của lãnh đạo địa phương khi huy động nguồn vốn xã hội hóa lớn để xây dựng các công trình tầm cỡ, được coi như biểu tượng cho sự phát triển đột phá về giao thông. Chỉ trong 3 - 4 năm, Quảng Ninh đã huy động được hơn 48.000 tỷ đồng làm hạ tầng giao thông, với những dự án “để đời” như sân bay, cầu cảng, đường cao tốc…, trong đó, nguồn vốn tư nhân chiếm tỷ trọng lớn.
Tư lệnh ngành GTVT dẫn chứng, với Dự án Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai tại khu vực Bãi Cháy, (TP. Hạ Long), Nhà nước bỏ 300 tỷ đồng để xây dựng cầu, còn nhà đầu tư xây dựng cảng hành khách cùng khu dịch vụ với số vốn khoảng 400 tỷ đồng. Công trình này sẽ tạo ra sự thay đổi lớn cho diện mạo TP. Hạ Long, thúc đẩy phát triển các dịch vụ đi kèm. Cách làm ở đây rất hay, đó là, Nhà nước đầu tư một phần, hoặc tập trung giải phóng mặt bằng, còn doanh nghiệp sẽ đầu tư vào những hạng mục chính để đẩy nhanh tiến độ dự án. Việc Quảng Ninh thuyết phục được các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính, có tầm nhìn như Sun Group là nhân tố mang tính quyết định đến thành công tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, những công trình được đánh giá là “đường băng” để khu kinh tế nhiều tiềm năng này cất cánh.
Đây cũng là bí quyết để Quảng Ninh triển khai nhanh các dự án như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn… Các hình thức huy động vốn PPP, BOT đã thực sự trở thành nội lực cho sự phát triển bứt phá của Quảng Ninh, giúp giải quyết được “điểm nghẽn” lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội.
“Mặc dù nhiều địa phương có điều kiện tương đồng với Quảng Ninh, nhưng lại đi sau về hạ tầng. Riêng Quảng Ninh đã có sự bứt phá mạnh mẽ chỉ trong thời gian ngắn. Đây chính là bài học kinh nghiệm quý giá cho các địa phương khác, và ngay cả Bộ GTVT cũng cần phải học hỏi”, Tư lệnh ngành GTVT đánh giá.
Xây dựng Vân Đồn thành thành phố đáng sống của khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Trong Báo cáo tiếp thu số 243/UBND-QH2 ngày 11/12/2018 về Quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2050 trở thành một trong những vùng động lực kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, Quảng Ninh tập trung phát triển và kinh doanh cảng hàng không, vận tải hàng không; đẩy mạnh ngành logistics để đưa Vân Đồn thành một trung tâm cung cấp dịch vụ hậu cần đẳng cấp thế giới, trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa vào khu vực Đông Nam Á.
Từ nền tảng là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đạt tiêu chuẩn cấp 4E, Quảng Ninh đặt mục tiêu nghiên cứu xây dựng một số sân bay trực thăng ở các đảo; phát triển loại hình thủy phi cơ phục vụ nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa. Đối với lĩnh vực đường bộ, sau khi đưa vào khai thác đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Quảng Ninh sẽ dồn nguồn lực để đóng mạch tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Những điều kiện hạ tầng hiện đại, đồng bộ này là cơ sở để Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, Khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại; thông minh; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo
và giao thương quốc tế với tổng giá trị sản xuất đạt 5,6 tỷ USD.