Theo kế hoạch, ngày 1/8 tới, Quảng Ninh sẽ đưa tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào khai thác tạm thời. Tuy nhiên, giai đoạn hoàn thiện dự án vào đầu năm 2022, thời tiết khu vực miền Đông của tỉnh mưa nhiều, số lượng ngày mưa trung bình chiếm 60% thời gian thi công (120/210 ngày), có tháng 5 và 6 gần như mưa cả tháng, khiến việc thi công thảm nhựa mặt đường rất khó khăn, không đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật.
Đại diện chủ đầu tư – Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, quy trình thi công lớp thảm nhựa trên cùng (novachip) đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, điều kiện thời tiết khô ráo, nhằm tăng tuổi thọ công trình và êm thuận mặt đường…
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cơ bản đã thi công xong các hạng mục chính. Ảnh: Thu Lê. |
Mặt khác, để đưa công trình vào khai thác, thủ tục pháp lý hiện đang rất phức tạp, chủ đầu tư cần hoàn thiện tổng số 40 thủ tục, tiến độ hiện tại đang phụ thuộc nhiều vào Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan liên quan. Hiện chủ đầu tư đang phối hợp với các cơ quan để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đồng bộ các hạng mục thủ tục; lập biểu đánh giá tiến độ, báo cáo UBND tỉnh, thống nhất thời gian hoàn thành thi công dứt điểm dự án xong trong quý III và đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là đoạn cuối cùng của toàn tuyến cao tốc kết nối các tỉnh, thành phố hạt nhân trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm Bắc bộ, gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tổng chiều dài tuyến đường 80,23 km, quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, đi qua các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP. Móng Cái.
Ban đầu, Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT, tổng vốn đầu tư trên 11.195 tỷ đồng. Chính thức khởi công đầu tháng 4/2019, đến tháng 7/2019, công tác giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành và bàn giao cho nhà đầu tư triển khai.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, Covid-19 gây ra nhiều tác động, ảnh hưởng tới khả năng tài chính của chủ đầu tư Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cũng như khả năng hoàn thành toàn bộ Dự án theo đúng tiến độ ban đầu. Trong khi đó, Quảng Ninh xác định, đây là công trình trọng điểm góp phần thúc đẩy tăng cường kết nối giao thương, tạo tiền đề để khu vực miền Đông của tỉnh có điều kiện bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Những hạng mục như lan can đường, ta luy, biển báo dọc tuyến cao tốc đang được thi công hoàn thiện. Ảnh chụp ngày 28/7: Thu Lê. |
Để đảm bảo tiến độ của công trình này, đầu tháng 5/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh Dự án BOT Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hướng tách thành 2 dự án độc lập.
Cụ thể, điều chỉnh giảm quy mô Dự án BOT Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,23 km thành Dự án Đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái với chiều dài 63,26 km, tổng mức đầu tư 9.032 tỷ đồng. Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Long Vân - Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành vẫn là chủ đầu tư (pháp nhân mới được thành lập để thực hiện dự án điều chỉnh là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn).
Đối với đoạn tuyến còn lại, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ lập thành Dự án Xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, dài 16,08 km, tổng mức đầu tư 3.667 tỷ đồng, được thực hiện bằng hình thức đầu tư công.
Tại kỳ họp thứ 18 diễn ra đầu tháng 7/2020, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 265, thông qua chủ trương đầu tư công đối với Dự án Xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên. Dự án có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h, tổng mức đầu tư 3.667 tỷ đồng bằng vốn ngân sách tỉnh, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.