Thời sự
Quảng Ninh khẳng định thông điệp “Niềm tin không có nhiệm kỳ”
Thu Lê - 19/04/2021 13:30
“Doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Quảng Ninh trước hết bằng những hành động thực tâm từ chính quyền địa phương, chứ không phải chỉ bằng những biện pháp như ưu đãi, chính sách”.

Đó là khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi đánh giá về môi trường đầu tư - kinh doanh của Quảng Ninh.

 

Quảng Ninh giữ vững vị trí quán quân trên Bảng xếp hạng PCI trong 4 năm liên tiếp Ảnh: Minh Hà

Niềm tin không có nhiệm kỳ

Với Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 vừa được công bố, Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân, với 75,09 điểm và là năm thứ tư liên tiếp đứng đầu. Cần nhấn mạnh, đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp (từ năm 2017-2020), Quảng Ninh nằm trong top 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Nguyên tắc trong thực thi của chúng tôi là làm đúng, nhưng phải làm nhanh, làm tốt.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

PCI là một cuộc đua liên tục, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng và bền bỉ của mỗi địa phương. Chặng đường 16 năm thực hiện đánh giá bộ chỉ số PCI đã ghi nhận sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. “Quảng Ninh là một trong số ít địa phương có thể xây dựng được lớp thế hệ lãnh đạo tiếp nối với một sự nhất quán trong chiến lược phát triển, tư duy quản lý, điều hành như vậy. Chính điều đó đã tạo nên niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Lộc khẳng định.

Cùng chung quan điểm, ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long (doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: “Thế hệ lãnh đạo chuyển tiếp đang nhận được niềm tin lớn của người dân và doanh nghiệp. Chưa bao giờ có chuyện người dân đồng tình bàn giao đất để làm trước và nhận tiền sau như ở Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Đây cũng là dự án đạt kỷ lục ngắn nhất về thời gian giải phóng mặt bằng của tỉnh”.

Còn dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn AMATA (Thái Lan), đơn vị có quá trình tìm hiểu đầu tư tại Quảng Ninh từ năm 2013, thì phong cách làm việc của lãnh đạo tỉnh đã trở thành yếu tố mang tính quyết định để họ triển khai đầu tư tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị AMATA Hạ Long (đơn vị chịu trách nhiệm triển khai dự án của Tập đoàn AMATA tại Quảng Ninh) cũng đã nhiều lần khẳng định: “Thực sự là hiếm có tỉnh nào mà cả Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh lúc nào cũng nói cùng một tiếng nói, tham dự cùng một cuộc họp với nhà đầu tư, cùng truyền đi một thông điệp. Điều này còn cho thấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh rất hiểu tâm lý của nhà đầu tư”.

Xác lập kỷ lục mới

Năm 2020 là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh đứng đầu Bảng xếp hạng PCI. Điểm số mà Quảng Ninh đạt được là 75,09 điểm, tăng 1,69 điểm so với năm 2019. Quảng Ninh đã vượt qua chính mình để xác lập vững chắc vị trí quán quân Bảng xếp hạng PCI trong 4 năm liên tiếp. Không chỉ vậy, Quảng Ninh còn là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua được mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.

Sau khi Bảng xếp hạng PCI 2019 được công bố, chỉ sau khoảng 1 tháng, Quảng Ninh đã tổ chức đánh giá, phân tích sâu về kết quả PCI năm 2019 của tỉnh. Tại hội nghị này, lãnh đạo tỉnh khi đó đã không né tránh thừa nhận: “Quảng Ninh đứng đầu Bảng xếp hạng, nhưng chưa phải cao nhất”.

Nhìn vào bảng xếp hạng 10 chỉ số thành phần PCI 2019 và so sánh với năm 2018, thì có 6 chỉ số tăng điểm và tăng hạng, 2 chỉ số tăng điểm nhưng giảm hạng và 2 chỉ số giảm điểm và giảm hạng. Hơn nữa, Quảng Ninh không có chỉ số thành phần nào đứng đầu bảng xếp hạng so với các địa phương khác.

Những chỉ số này đã có sự thay đổi và cải thiện trong năm 2020. Có đến 7/10 chỉ số có sự tăng điểm. Hai chỉ số đứng đầu Bảng xếp hạng là đào tạo lao động (8,41 điểm) và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (7,58). Chính điều này đã giúp PCI năm 2020 của Quảng Ninh tăng điểm so với năm 2019 và giúp địa phương này tiếp tục giữ được ngôi vị quán quân.

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 tạo ra cú sốc lớn cho nền kinh tế thế giới, đặc biệt là ngành du lịch, thì Quảng Ninh - vốn là địa phương có ngành du lịch, dịch vụ rất phát triển, cũng chịu tác động nặng nề. Song bằng sự linh hoạt trong điều hành, khả năng phân tích và đưa ra giải pháp tốt, Quảng Ninh đã hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép”.

Kinh tế - xã hội ổn định, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn cả năm 2020 đạt 10,05%, thu ngân sách nhà nước đạt 49.300 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và dự toán đầu năm, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Trong bối cảnh Covid-19, Quảng Ninh vẫn kiên trì với các nỗ lực cải cách hành chính nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ kiến nghị của doanh nghiệp, Quảng Ninh đã kịp thời giải quyết các vướng mắc nảy sinh do dịch bệnh về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp.

Quảng Ninh đã tăng số thủ tục hành chính đưa vào giải quyết công tác cải cách hành chính. Tổng số thủ tục đã đưa vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh đạt 1.939, cấp huyện là 293, cấp xã 111. Số thủ tục toàn tỉnh mức độ 3, mức độ 4 là 1.552, trong đó mức độ 4 cấp tỉnh là 625, đạt 36% (tăng 22 điểm % so với năm 2019). Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 với 525 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia - đứng đầu toàn quốc; kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành trung ương; kết nối liên thông Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh với Trung tâm Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Quan trọng hơn, điều mà các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhận thấy rõ là chất lượng thực thi của chính quyền các cấp, sở, ban, ngành của Quảng Ninh đã được nâng cao rõ rệt. Ông Huang Xing Jin, đại diện chủ đầu tư Jinko Solar (doanh nghiệp liên tiếp 4 năm liền dẫn đầu thế giới về lĩnh vực sản xuất pin năng lượng mặt trời) đã chia sẻ tại lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án gần 500 triệu USD vào Quảng Ninh (ngày 31/3/2021): “Chúng tôi đã rất xúc động và ngạc nhiên trước hiệu suất làm việc của nhiều cơ quan, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt là sự kết nối liên hệ làm việc rất chuyên nghiệp với chủ đầu tư ngay cả trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thiêng liêng của Việt Nam. Sự lựa chọn điểm đến Quảng Ninh của chúng tôi sau quá trình khảo sát hơn 20 tỉnh, thành phố, 30 khu công nghiệp tại Việt Nam là chính xác”.

Không chỉ làm việc xuyên kỳ nghỉ tết, nghỉ lễ, việc lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng với doanh nghiệp, nhà đầu tư có những cuộc họp muộn, thậm chí bắt đầu từ lúc 10 giờ đêm là không hiếm tại Quảng Ninh. “Chính quyền tỉnh Quảng Ninh làm việc, lấy hiệu quả và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo”, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.

Là một người từng dự những cuộc họp như thế, ông Nguyễn Văn Nhân chia sẻ: “Sau khi họp xong, đã gần nửa đêm rồi, chúng tôi về nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn còn ngồi lại hội ý tiếp”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, để có thể giám sát và có những chỉ đạo kịp thời đối với bộ máy giúp việc, trong 6 năm qua, việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) đã được thực hiện thực chất, không vị nể và lấy kết quả đó để đánh giá người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương.

Thời điểm này, với những tác động của đại dịch Covid-19, mọi người đang nói về sự phục hồi, về việc hoạt động trở lại, nhưng sẽ theo hướng khác, cách thức khác, mục tiêu cũng sẽ khác. Lúc này, cộng đồng doanh nghiệp đang có sự cải tổ mạnh mẽ, có sự dịch chuyển dòng vốn lớn. Đây cũng lúc mà khối hành chính công cũng phải cải thiện chính mình để theo kịp và phục vụ tốt nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Có như vậy, mục tiêu lớn là phục hồi nền kinh tế, tiếp tục phát triển theo hướng bền vững mới có thể sớm đi đến đích. “Để giám sát chặt chẽ quá trình chuyển đổi này tại Quảng Ninh, DDCI năm 2021 sẽ tiếp tục có những đổi mới trong cách thức đánh giá để bám sát thực tiễn hơn”, bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng ban thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh (IPA) chia sẻ.

Bí quyết thành công của Quảng Ninh trong cả PCI và PAPI là năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong tổ chức thực hiện. Chúng tôi làm được những điều này dựa trên lợi ích của quốc gia, của địa phương, của nhân dân.

Chúng tôi cũng xác định nguồn lực của Nhà nước, đầu tư của ngân sách chỉ là vốn mồi. Các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như cả nước phụ thuộc nhiều vào nguồn lực trong dân, nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.

Cách thu hút hiệu quả, bền vững nhất các nguồn lực này là cơ chế, chính sách tốt và thực thi hiệu quả. Ở đây, chúng tôi xác định rõ nguyên tắc chính quyền địa phương, đội ngũ công chức cam kết và giữ lời hứa với nhà đầu tư, người dân, trân trọng thời gian, công sức của nhà đầu tư, người dân.

Để thực hiện được, nguyên tắc trong thực thi của chúng tôi là làm đúng, nhưng phải làm nhanh, làm tốt. Làm đúng các quy định của pháp luật, nhưng phải nhanh để tối ưu chi phí cho cả nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân; làm tốt để tối ưu hiệu quả.

Đây là lý do chúng tôi có thể hoàn tất thủ tục cấp phép cho nhà đầu tư chỉ 1 ngày sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, có thể có giải pháp giải phóng mặt bằng nhanh, hiệu quả, xóa bỏ chi phí không chính thức, tham nhũng vặt... Các nhà đầu tư cần những điều này hơn là các ưu đãi thuế…
Tin liên quan
Tin khác