Diện mạo đô thị Hạ Long ngày càng khang trang và hiện đại nhờ các dòng vốn đã phát huy hiệu quả. Ảnh: Hùng Sơn |
Giữa tháng 9 vừa qua, trong chuyến công tác tại Nhật Bản do ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh làm Trưởng đoàn, Đoàn công tác đã chứng kiến lễ ký hợp tác tư vấn phát triển Dự án TP. Amata Hạ Long tại thị xã Quảng Yên theo định hướng chiến lược phát triển thành phố thông minh, giữa Công ty CP Amata Hạ Long (Tập đoàn Amata) và TP. Yokohama. Đây là bước đi cụ thể của Tập đoàn Amata để triển khai thực hiện quy hoạch thành phố thông minh Amata Hạ Long.
Theo đề xuất của Tập đoàn Amata, quy hoạch thành phố thông minh Amata Hạ Long sẽ được nghiên cứu, đầu tư trên diện tích 1.720 ha thuộc TP. Uông Bí và thị xã Quảng Yên. Trước đó, tháng 12/2018, tập đoàn này đã khởi công Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp sông Khoai tại Quảng Yên. Có thể thấy, với tư cách là một nhà đầu tư chiến lược, Amata đang thực hiện một cách trách nhiệm các cam kết đầu tư của mình với địa phương.
Bên cạnh dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài như Amata, hay Tập đoàn Rent A Port (Bỉ)…, dòng vốn đầu tư trong nước mà Quảng Ninh huy động được cũng rất lớn. Trong đó, điển hình là các nhà đầu tư như Sun Group, Vingroup, CEO Group, BIM Group…
Giai đoạn 2015 - 2018, hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Ninh phát triển đồng bộ, hiện đại với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa chiếm trên 75%. Nhờ đó, tỉnh có gần 200 km đường cao tốc (chiếm 10% chiều dài đường cao tốc trên toàn quốc), có cảng hàng không quốc tế đầu tiên của cả nước được đầu tư từ nguồn xã hội hóa, có cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt phục vụ du lịch. Tất cả những dự án này đều được hình thành bởi dòng vốn trong nước.
Với tư duy dám nghĩ, dám làm, Quảng Ninh luôn tiên phong đổi mới, sáng tạo trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều động lực tăng trưởng đột phá cho địa phương. Nền kinh tế được định hướng giảm dần việc dựa vào tài nguyên không tái tạo, tăng dần các yếu tố bền vững như dịch vụ, du lịch, khoa học - công nghệ, đầu tư, thương mại, văn hóa; lấy du lịch, dịch vụ làm trung tâm. Nếu theo đúng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2019 được đưa ra hồi đầu năm, thì đến cuối năm nay, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, công nghiệp - xây dựng giảm còn 48,5%, dịch vụ tăng lên mức 46%.
Là địa phương đi đầu trong việc xây dựng các quy hoạch chiến lược (về phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, phát triển khoa học công nghệ…), với sự phối hợp tư vấn của các tập đoàn hàng đầu thế giới, Quảng Ninh đã định hình được khuôn khổ phát triển thống nhất, toàn diện và bền vững, gắn trực tiếp với công tác xúc tiến đầu tư. Nhờ đó, những dòng vốn đến với Quảng Ninh đều giúp hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của địa phương này.
Bằng cách đồng hành thực chất, Quảng Ninh đã chiếm trọn niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và trở thành điểm đến ưu tiên của những dòng vốn lớn và chất lượng theo đúng tinh thần “win - win”. Việc địa phương này duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước trong 6 năm liên tiếp (2013 - 2018), đặc biệt năm 2017 và 2018 ở vị trí dẫn đầu trong số các tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất Bảng Xếp hạng PCI đã chứng minh điều này.
Những chuyển động về định hướng, chiến lược phát triển trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là cách thức huy động và sử dụng dòng vốn từ xã hội đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng GRDP luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Năm 2018, GRDP của tỉnh đạt 11,1%, tổng thu ngân sách 40.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 5.110 USD/người/năm, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Trong bài phát biểu nhận nhiệm vụ mới, ông Nguyễn Văn Thắng, tân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, sẽ ưu tiên thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao tạo ra giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường. Song song với đó, tăng cường rà soát, thẩm định, nhận diện nhà đầu tư, không bỏ qua các nhà đầu tư tốt, dự án tốt, nhưng đồng thời cũng không để các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của tỉnh bị lợi dụng, trục lợi. Có thể thấy, tinh thần chọn lọc nhà đầu tư theo chất lượng và hiệu quả dòng vốn đang tiếp tục được duy trì thực hiện.