Những thách thức…
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, theo kết quả nghiên cứu, tổng thiệt hại kinh tế của nước ta trong thời gian qua do ô nhiễm môi trường gây ra tối thiểu từ 1,5% - 3% GDP. Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam còn phải chịu thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường. Theo kinh nghiệm từ các nước phát triển, phát triển kinh tế không quan tâm tới các vấn đề môi trường sẽ đem lại hiệu quả kinh tế thấp, chi phí cho các hoạt động xử lý ô nhiễm sẽ cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.
Còn theo ông PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh, Phó viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT), phạm trù ‘Kinh tế xanh’ mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2010. Đến nay, chúng ta chưa có một văn bản chính thức nào về chính sách phát triển ‘Kinh tế xanh’. Bên cạnh đó, việc xây dựng nền “kinh tế xanh” gắn liền với sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường… vẫn còn khá mới mẻ.
Trên thực tế, công nghệ sản xuất ở Việt nam hiện nay phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn. Việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp về vốn và công nghệ của các nước có công nghệ cao trên thế giới. Việc huy động nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu xây dựng nền “kinh tế xanh” cũng là một khó khăn lớn. Vẫn theo ông Chinh, mặc dù Việt nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo, nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước đã phát triển còn quá thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tới nền “kinh tế xanh”.
Quảng Ninh vốn ví như một Việt Nam thu nhỏ bởi có đặc điểm địa hình, khí hậu, tài nguyên và văn hóa đa dạng. Tỉnh cũng được biết đến nhiều với kỳ quan - di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đang phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn và thách thức. Bên cạnh ngành công nghiệp không khói - du lịch, ngành công nghiệp khai khoáng của Quảng Ninh vốn được coi là ngành công nghiệp xương sống của tỉnh Quảng Ninh cũng đã đem lại những hệ quả về vấn đề môi trường. Theo quy hoạch, để khai thác than lộ thiên, hàng năm ngành than thải ra môi trường khoảng 300 – 500 triệu m3 đất đá và 100 – 250 triệu m3 nước thải. Cùng với đó, các trung tâm sản xuất công nghiệp, như: nhiệt điện, xi măng, đóng tàu, các KCN, các khu đô thị lớn tập trung chủ yếu bên bờ Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đã khiến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại Quảng Ninh luôn trong tình trạng rất cao. Các ngành vận tải biển, cảng biển, lấn biển phát triển đô thị, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ, sông suối, diện tích bồi lắng do đất đá trôi lấp.
“Phải khẳng định rằng, Quảng Ninh đang phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn và thách thức trong phát triển nền ‘kinh tế xanh’. Đặc biệt là mâu thuẫn giữa việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn. Đó còn là thách thức giữa phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh (tỷ lệ đô thị hóa cao 55%) với giải quyết vấn đề môi trường sống; thách thức giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao, bởi Quảng Ninh có 9 huyện, thị, thành phố ven biển, trong đó có 8 xã dưới mực nước biển”, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Kinh nghiệm của Quảng Ninh
“Từ những hạn chế và những thách thức trong thực tế phát triển, tỉnh Quảng Ninh đã nhận diện nguy cơ, hạn chế và những thách thức từ phương thức phát triển trước đây, từ đó xác định triết lý phát triển mới, trong đó triết lý chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh” đã bắt đầu hình thành”, ông Hậu nói.
Thực tế, việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh” đã được Quảng Ninh thực hiện từ nhiều năm nay và đã đem lại những kết quả tích cực ban đầu. Nếu như năm 2011, thu ngân sách từ than chiếm 67% tổng thu ngân sách của Quảng Ninh thì đến năm 2014, con số này chỉ còn 47%. Về đóng góp trong GDP, năm 2011, khai thác than chiếm 25% tổng GDP toàn tỉnh thì đến 2014, chỉ còn 18,6% GDP. Thu ngân sách từ du lịch đã có bước chuyển dịch tích cực. Cụ thể, năm 2011, thu ngân sách từ du lịch chỉ chiếm 2,4% thì năm 2014 đã tăng lên hơn 2 lần với tỷ lệ là 5,1%. Đóng góp trong GDP của lĩnh vực dịch vụ cũng tăng từ 34% lên 44,2%.
Theo ông Hậu, bên cạnh việc chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế, Quảng Ninh còn quan tâm đặc biệt đến công tác cải tạo, khắc phục ô nhiễm trong hoạt động sản xuất kinh doanh gây ra như lắp đặt hệ thống quan trắc tự động với 27 trạm (kinh phí 157,2 tỷ đồng), xây các trạm xử lý nước thải mỏ, các dự án cải tạo ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long, tăng cường công tác bảo vệ môi trường Hạ Long. Đến nay, Quảng Ninh đã xây dựng 5 trạm xử lý nước thải sinh hoạt và xử lý được 50% lượng nước thải sinh hoạt toàn tỉnh; xây dựng 39 trạm xử lý nước thải mỏ; đã thực hiện cải tạo hoàn nguyên môi trường trên 800 ha bãi thải của các công ty than.
Ông Nguyễn Mạnh Điệp, Trưởng ban Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), chia sẻ, hàng năm, Tập đoàn phải trích 1,0% - 1,5% chi phí sản xuất để lập quỹ Môi trường. Tổng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm của TKV hiện nay là gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, 70% dành cho đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, 30% dành cho các công việc bảo vệ môi trường thường xuyên.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Theo ông Ichiro Adachi, Chuyên gia Chính sách và Quản lý Môi trường của JICA , Nhật Bản đã xác định sáng kiến "Thành phố tương lai” là một trong những Dự án chiến lược quốc gia trong "Chiến lược Tăng trưởng mới". Mục tiêu cuối cùng là để đạt được một xã hội hồi sinh và bền vững với hệ thống kinh tế xã hội mới như thành phố hướng tới trọng tâm là con người, để từ đó tạo ra các giá trị mới nhằm giải quyết thách thức về môi trường và lão hóa.
Thành phố Yokohama được chọn là một mô hình kiểu mẫu để tập trung giải quyết 5 nhóm vấn đề chính bao gồm: hàm lượng carbon thấp và bảo tồn năng lượng; nước và môi trường; xã hội siêu lão hóa; sáng tạo; thách thức. Nhưng thực tế là, Yokohama đã gặp phải rất nhiều "thách thức". Đầu tiên và khó khăn nhất là thay đổi được suy nghĩ và điều kiện của người dân trong khu vực. Theo ông Ichiro Adachi, quá trình hình thành khái niệm "Tăng trưởng xanh" là cả một chặng đường dài về quản lý môi trường, thông qua giải quyết ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Quá trình này không thể thực hiện một cách nóng vội. Một thách thức khác là vấn đề công nghệ tiên tiến phục vụ tăng trưởng xanh. Công nghệ tiên tiến đòi hỏi nhu cầu kinh phí cao và một số đặc điểm đặc thù để có thể áp dụng vào thực tế.
Theo kinh nghiệm từ Nhật Bản, để thực hiện được tăng trưởng xanh, các quốc gia cần chú trọng vào mối quan hệ giữa người dân, doanh nghiệp và chính phủ. Vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước cần phải định hướng và đưa ra những chính sách phù hợp để tạo ra sự hài hòa trong mối quan hệ này vì một mục tiêu chung - xây dựng nền “kinh tế xanh”.