Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, 9 tháng năm 2022, GRDP của tỉnh đạt 10,21%; khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng, tăng 8,96%; khu vực dịch vụ phục hồi nhanh, tăng 14,35%, đóng góp 4,28 điểm trong tăng trưởng GRDP; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 8,96%.
Tổng khách du lịch gấp trên 3,5 lần so với cùng kỳ năm năm 2021; kim ngạch xuất khẩu tăng 8,34%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 40.630 tỷ đồng, bằng 77% dự toán, bằng 121% cùng kỳ năm 2021, đạt 101% kịch bản. Trong đó, thu từ xuất nhập khẩu (XNK) đạt 10.800 tỷ đồng (bằng 102% dự toán tỉnh giao, bằng 115% kịch bản, bằng 153% cùng kỳ). Thu nội địa đạt khoảng 29.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 68.971 tỷ đồng, tăng 10,15%. Bên cạnh đó, phát triển doanh nghiệp tiếp tục có nhiều khởi sắc, số đơn vị thành lập mới tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 16%.
Tăng trưởng GRDP 9 tháng của Quảng Ninh qua các năm. Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đến nay, 12/17 sản phẩm công nghiệp chủ yếu chưa đạt so với kịch bản tăng trưởng, từ đó tạo áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng trong quý IV/2022 và cả năm 2022. Du lịch phục hồi nhanh nhưng không đồng đều giữa khách trong nước và khách quốc tế; chất lượng cung cấp dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu, còn một số hạn chế. Tiếp đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến nay đạt thấp; tiến độ khởi công các dự án nhà ở xã hội chậm; công tác lập Quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung của một số địa phương còn chậm so với yêu cầu...
Trong những tháng còn lại của năm 2022, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, triển khai các kịch bản tăng trưởng theo kế hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách, tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững. Tập trung chỉ đạo thực hiện 6 nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì cuộc họp. |
Đối với các dự án dự kiến khởi công cuối năm 2022, Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án trước ngày 30/9. Các dự án dự kiến khởi công năm 2023 cần hoàn thành các thủ tục lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 30/10; lập, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án trước ngày 30/11 để đủ điều kiện phân bổ nguồn vốn kế hoạch năm 2023.
Thực hiện rà soát lại các dự án đầu tư ngoài ngân sách, tập trung ưu tiên giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ. Triển khai có hiệu quả công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; đổi mới cách thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động; đồng thời tăng cường triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn.
Đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch chung, quy hoạch vùng huyện của các địa phương. Tập trung giải quyết kịp thời các vướng mắc của các địa phương trong công tác giải phòng mặt bằng, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai trong các KKT, KCN. Nghiên cứu xây dựng Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu thực hiện rà soát, điều chỉnh các hạng mục dự án, đảm bảo mục tiêu hoàn thành xây dựng Nông thôn mới năm 2022 theo chỉ đạo. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách ưu đãi người có công, giảm nghèo bền vững...
Đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt và quán triệt sâu rộng Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Khẩn trương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, có quy chế bắt buộc cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hệ thống chính quyền điện tử, tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số theo kế hoạch. Trong đó, chú trọng xây dựng dữ liệu số của từng ngành; xây dựng hệ thống công cụ kiểm soát; đánh giá mức độ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác truyền thông chuyển đổi số đến người dân...