Ngập lụt tại TP Hạ Long, Quảng Ninh |
Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh báo cáo tổng hợp tình hình đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 25/7/2015 và công tác chỉ đạo phòng chống của tỉnh Quảng Ninh đến thời điểm 19h00 ngày 28/7/2015 như sau:
Tình hình mưa lũ
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp trên khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, trên toàn tỉnh Quảng Ninh đã có mưa rất to và dông. Lượng mưa từ ngày 25/7/2015 đến 13h00 ngày 28/7/2015 ở Cô Tô là 799 mm, Móng Cái là 680 mm, Hải Hà là 600 mm, Cẩm Phả là 853 mm, l là 662 mm. Vùng biển Cô Tô - Quan Lạn, đảo Trần và khu vực Cẩm Phả - Vân Đồn có gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6-7... đây là trận mưa lớn nhất từ hơn 40 năm nay đổ xuống Quảng Ninh.
Đến thời điểm đến 19h00 ngày 28/7/2015:
Hạ Long: Nhiều khu dân cư vẫn bị chia cắt và ngập lụt sâu (phường Hà Phong, Cao Thắng, Hà Khánh, Việt Hưng, Bãi Cháy, Cao Xanh (K2A+2B+5+6)…). Các lực lượng cứu hộ của Quân đội đã để cứu hộ, di chuyển và hỗ trợ nhu yếu phẩm và đã di chuyển các hộ dân đến các vị trí cao, an toàn.
Cẩm Phả: Khu vực phương Quang Hanh, phường Mông Dương và Cửa Ông vẫn bị chia cắt, ngập lụt. TP Cẩm Phả đã huy động trên 1.700 lượt người tham gia cứu hộ và di chuyển trên 1.000 hộ dân đến nơi an toàn; vẫn đang tiếp tục tiếp cận khu Quảng Hanh để di chuyển các hộ còn bị ngập lụt và đã tiếp cận để cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân còn đang bị cô lập;
Vân Đồn: Khu vực 02 thôn tại đảo Bản Sen bị cô lập, hiện nước đang rút, nhân dân đã được cứu trợ đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiêt; Huyện Vân Đồn đã huy động trên 350 người hỗ trợ cứu giúp nhân dân vùng bị ngập lụt, di chuyển 45 hộ dân đến nơi an toàn;
Tổng số hộ dân bị ngập lụt trên địa bàn Tỉnh là khoảng trên 3.000 hộ (Hạ Long: 1.700; Cẩm Phả 1.300; Vân Đồn: 100...)
Công tác chỉ đạo, kiểm tra hiện trường
- Ngay khi có thông tin về ảnh hưởng của vùng áp thấp sẽ gây mưa vừa, mưa to đến rất to; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Tỉnh đã ban hành Công điện số 05/CĐ ngày 26/7/2015, Chủ tịch UBND Tỉnh đã ban hành Công điện số 15/CĐ ngày 26/7/2015 thông báo và yêu cầu các ngành, các địa phương triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng chống mưa lớn.
Tỉnh đã chỉ đạo ngừng tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Tỉnh đã chỉ đạo huy động hàng ngàn chiến sỹ và phương tiện của quân đội, công an đóng trên địa bàn xuống các khu vực bị chia cắt, sập đổ nhà, ngập lụt để cứu dân bị nạn, tìm kiếm người còn mất tích; huy động hàng ngàn gói mì, bánh và nước uống đưa xuống các vùng bị chia cắt, bị ngập lụt để cứu đói cho dân.
Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về thiệt hại nặng nề của tỉnh Quảng Ninh và đề nghị Trung ương hỗ trợ về lực lượng.
Tỉnh đã điện báo cáo Tư lệnh Quân khu 3 đề nghị tăng cường lực lượng quân đội và Bộ Tư Lệnh Quân khu 3 đã cử Đ/c Thiếu tướng Trần Đình Kha – Phó Tư lệnh trực tiếp đặt bộ chỉ huy tiền phương tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh để chỉ huy lực lượng chiến sỹ và phương tiện giúp Tỉnh tiếp cận, cứu hộ, vận chuyển nhu yếu phẩm và di chuyển dân.
Chủ tịch UBND Tỉnh đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Tỉnh và trực tuyến với các địa phương trên địa bàn Tỉnh để chỉ đạo chủ động các biện pháp khẩn trương kiểm tra, xử lý, khắc phục những thiệt hại và có biện pháp phòng chống, hạn chế thiệt hại thấp nhất.
Tỉnh đã phân công các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh cùng các ngành, đơn vị đi kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo các biện pháp xử lý, khắc phục trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, thành phố Hạ Long, huyện Vân Đồn. Toàn bộ các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh theo sự phân công đã tập trung tại hiện trường và tiếp cận các khu dân cư bị ngập lụt để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người còn mất tích, tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình nạn nhân bị chết, bị thương. Chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, rà soát và kiên quyết di chuyển những hộ dân còn ở các vị trí nguy hiểm bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi cao an toàn; đối với các hộ dân đã di dời thì kiên quyết không cho quay trở lại nơi ở cũ trong thời gian tiếp tục có mưa lớn xảy ra.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các địa phương, các ngành, đơn vị kiểm tra thực tế, thống kế chi tiết các thiệt hại; thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình có người bị chết, bị thương, các gia đình có nhà bị sập đổ kịp thời khắc phục; chủ động xử lý các điểm ngập, lụt, các vị trí bị sạt lở làm ách tắc giao thông; kiểm tra, kiên quyết di chuyển các hộ dân ở vùng nguy hiểm bị sạt lở, lũ ống, lũ quét; sẵn sàng và có biện pháp cụ thể đối phó đề phòng mưa lớn kéo dài; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
- UBND Tỉnh đã bố trí thường trực và phân công đầy đủ, cụ thể cho các lực lượng và phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh yêu cầu.
Tổng hợp thiệt hại
Thiệt hại về người:
- Tổng số trên địa bàn Tỉnh chết 15 người, mất tích 08 người, trong đó:
+ Hạ Long: 12 người chết, 02 người mất tích
+ Cẩm Phả: 03 người chết.
+ Cô Tô: 06 người mất tích.
Thiệt hại về tài sản.
- Trên 2.260 hộ dân, trường học, bệnh xá bị ngập lụt, có nơi ngập sâu trên 2,0m (TP Hạ Long và Cẩm Phả, Vân Đồn); rất nhiều tài sản của hộ dân bị thiệt hại;
- Ngập cục bộ một số đoạn trên các tuyến giao thông huyết mạch: Quốc lộ 18 ngập tại 09 vị trí (Km51, Km55, Km62+850, Km109+200, Km128+300, Km137, Km144, Km153, Km157), sạt lở mái taluy dương từ Km157+400 - Km172+800, sạt lở mái taluy âm tại các vị trí: Km157+600, Km167+600, Km170+600, thượng hạ lưu cống bị tắc tại các vị trí Km141+250, Km143+050, Km148+600, Km153; Đường tỉnh 334: Sạt lở đất đá cục bộ tại Km1+100, Km2+150; Đường tỉnh 326 bị ngập tại các vị trí: Km10+450, Km11+250, Km16+850, Km21+350, Km28+350, Km33+450, Km42; Đường tỉnh 328: Sạt trượt mái taluy dương tại các vị trí: Km26, Km28+200, Km30.
- Trôi, mất một số phao báo hiệu đường thủy: Luồng Dân Tiến 01, luồng Quang Lạn 01.
- Hạ Long: Sập đổ hoàn toàn 06 nhà (tại các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hồng Hà, Hồng Hải).
- Cẩm Phả: Ngập lụt đã làm thiệt hại nhiều tài sản có giá trị của nhân dân, nhất là khu vực phường Cao Thắng; bãi thải Đông Cao Sơn bị vỡ, bùn thải tràn vào 40 hộ dân.
- Vân Đồn: Hồ Lòng Dinh đang thi công đã bị vỡ vai đập 30m, sâu 10m; Đảo Ngọc Vừng đã sạt lở bờ kè của hồ chứa nước dài khoảng 35m. Sập đổ 02 nhà dân cấp 4 tại Xã Ngọc Vừng (Vân Đồn) (người dân đã di chuyển nên không có thiệt hại về người); Ngập úng khoảng 100 ha lúa non mới cấy, khả năng phục hồi kém; Lồng bè nuôi trồng thủy sản sản bị chết 880 lồng, ước thiệt hại 88 tỷ đồng; Khu vực cầu Vân Đồn 3 sạt lở mái ta luy dài khoảng 400 m, khối lượng khoảng 2.000 m3; sạt lở 02 đường (200m) chia cắt thôn Nà Na và thôn Bản Sen (xã Bản Sen); cuốn trôi 500 m kè đường thôn Nà Na.
- Cô Tô: Sạt lở tại 6 tuyến đường với chiều dài 200m và 02 tuyến kè bờ biển dài 25m (đã tạm khắc phục) gây ngập lụt 14ha lúa và hoa màu, 25 hộ dân bị ngập lụt, sập đổ 01 nhà cấp 4 (không có thiệt hại về người); Hiện vẫn còn 1.500 du khách du lịch ở lại đảo an toàn; Đã huy động 300 cán bộ chiến sỹ Quân đội, Biên phòng và thanh niên cứu giúp dân và khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn; 01 tàu đánh cá đi từ Bạch Long Vĩ về Vân Đồn, đến gần đảo Hạ Mai thì chìm, dạt vào bờ, đã cứu được 01 người và 06 người đang mất tích.
- Hoành Bồ: 46 ha lúa bị ngập lụt và bồi lấp, diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hại là 22,3ha
- Uông Bí: Trạm lưu giữ cá qua mùa đông thuộc Trung tâm KHKT Sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh bị ngập 05 ao cá giống (1,0ha).
- Móng Cái: Mưa lớn làm 600ha lúa mùa mới gieo, cấy bị ngập úng, Mốc 1346+300 phần hạ lưu tường kè và kênh bị đổ dài khoảng 35m; một số đầm nuôi thủy sản bị ngập bờ (khoản 100ha)
- Hải Hà: Mưa lớn đã gây ảnh hưởng đến 200ha lúa; 7 ha rau màu; 12 ao cá nước ngọt; 01 nhà bị sập. Một só đoạn đường biên giới bị sạt lở (không ảnh hưởng đến giao thông). Tuyến đường giao thông đi xã Quảng Sơn và một số bản ở xã Quảng Đức bị ngập, chia cắt. Không có thiệt hại về người.
- Đường ống cấp nước sạch 800 cho TP Cẩm Phả và TP Hạ Long của Nhà máy nước Diễn Vọng bị dứt gẫy; khả năng khắc phục còn kéo dài do thời tiết vẫn còn bất ổn.
- Các địa phương còn lại có lượng mưa nhỏ, nên không có thiệt hại. tình hình ổn định.
- Thông tin liên lạc và hệ thống điện vẫn đảm bảo;
- Các công trình hồ đập, đê điều đảm bảo an toàn;
UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn đang chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, rà soát thông kê thiệt hại.
*Ước tổng thiệt hại từ ngày 26/7/2015 đến nay khoảng trên 1.000 tỷ đồng.
Khắc phục hậu quả.
- Thực hiện Công điện số 1192/CĐ-TTg ngày 28/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt cứu trợ các hộ dân còn bị cô lập, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, đảm bảo người dân không bị đói, khát; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết; tiếp tục rà soát, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở (yêu cầu hoàn thành trong đêm 28/7/2015). Chỉ đạo lực lượng cán bộ y tế hỗ trợ nhân dân đảm bảo vệ sinh môi trường sau khi lũ rút,...
- Các địa phương đã huy động các lực lượng để hỗ trợ di chuyển các hộ dân ở các vị trí nguy hiểm về sạt lở, lũ, ngập lụt đến các vị trí an toàn; khẩn trương nạo vét một số điểm sạt lở trên đường giao thông để đảm bảo an toàn; di chuyển các hộ nơi trũng bị ngập lụt sâu lên các vị trí cao; kiểm tra để có biện pháp tháo nước, tại các hồ đập thuỷ lợi đã huy động lực lượng túc trực, nếu mực nước vượt ngưỡng tràn sẽ tháo tràn; riêng tại huyện Vân Đồn, hồ Nhà Thạch có dung tích 15.000m3 có nguy cơ bị vỡ đã kịp thời phá tràn để tăng khả năng tháo nước, hiện nay đã kiểm soát được tình hình.
- UBND tỉnh đã trích dự phòng ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương, trong đó Hạ Long 6 tỷ đồng, Cẩm Phả 5 tỷ và Vân Đồn 4 tỷ đồng.
- Ủy ban nhân dân Tỉnh đã chỉ đạo hỗ trợ các trường hợp bị chết, bị thương do ảnh hưởng của mưa lũ theo mức 6 triệu đồng/ người chết và hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng, 3 triệu đồng/ người bị thương.