Đầu tư Phát triển bền vững
Quảng Ninh thúc đẩy phân loại rác tại nguồn vì một môi trường xanh
Thu Lê - 10/09/2023 13:54
Mới đây, tại TP. Hạ Long, Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ninh (Sở Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp tổ chức chương trình tuyên truyền thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, vì một môi trường xanh.

Cụ thể, Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ninh đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Hạ Long, Trường Đại học Hạ Long, Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh để tuyên truyền, phổ biến cho người dân trên địa bàn phường Hồng Hà về quyền và trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Trong khuôn khổ của chương trình, Chi cục Bảo vệ môi trường đã tuyên truyền, phát tờ rơi, phổ biến cho người dân trên địa bàn phường Hồng Hà về quyền và trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, cách thức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, thu hồi vật liệu thải bỏ, hạn chế sử dụng chất thải nhựa.

Chương trình tuyên truyền thúc đẩy phân loại rác tại nguồn vì một môi trường xanh không có rác do Chi cục Bảo vệ Môi trường Quảng Ninh phối hợp tổ chức. Ảnh: nguồn QMG.

Các mô hình tái chế phế thải, sản phẩm từ chất thải tái chế cũng đã được giới thiệu đến người dân tại khu 4, phường Hồng Hà. Trong đó, khu trưng bày sản phẩm phân bón được ủ từ rác thải hữu cơ thải bỏ thực hiện tại TX.Đông Triều và huyện Bình Liêu (sản phẩm của Dự án xây dựng kế hoạch tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng 2030 do Sở Tàinguyên và Môi trường làm chủ đầu tư) rất được người dân quan tâm.

Tại chương trình, người dân còn được trực tiếp tham gia mô hình Vracbank - Gửi rác rút tiền. Đây là một mô hình có nhiều ưu điểm trong tái sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường đang được Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh triển khai hiệu quả tại TP.Uông Bí. 

Nhiều người dân phường Hồng Hà đã mang rác đến để tham gia mô hình Vracbank – Gửi rác rút tiền của Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh.

Để tham gia VracBank, “khách hàng” được lập mỗi người một tài khoản riêng để quản lý toàn bộ dữ liệu hoạt động gửi rác. Rác thải được khách hàng thu gom, phân loại như: Giấy bìa carton, chai lọ nhựa, vải vụn, vỏ bao xi măng,… sau đó mang tới “ngân hàng rác” để cân, đếm và quy đổi ra thành tiền và điểm tích lũy trong tài khoản. Sau khi định lượng và tính thành tiền số lượng rác mang đến gửi, các khách hàng sẽ nhận được phiếu ghi rõ số tiền, số điểm tích lũy và nhận tiền mặt (hoặc chuyển khoản) ngay lập tức.

Việc tham gia mô hình này đã giúp các hộ gia đình có thêm một số tiền sau khi đổi rác. Từ đó dần hình thành ý thức phân loại, thu gom rác, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Những sản phẩm từ chất thải tái chế của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hạ Long được các đại biểu và người dân đặt mua.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, chỉ trong sáng ngày 9/9, Công ty đã thu gom được 6,6 tấn rác thải tái chế các loại của gần 450 người dân mang đến. Tại chương trình, Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh cũng đã trao tặng cho người dân khu phố 4 thùng đựng rác thải có khả năng tái chế, trị giá 5 triệu đồng.

Tham gia chương trình, Trạm xanh-5R Station Hạ Long cũng đã tổ chức thu gom pin cũ đã qua sử dụng cho người dân dưới hình thức đổi pin cũ lấy hạt giống, cây xanh, phân bón hữu cơ…

Hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng gia tăng, tạo áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường của địa phương. Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Ninh từ lâu đã tăng cường triển khai các giải pháp phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Dây chuyền phân loại và đốt rác thải tạo nhiệt cho hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Xi măng và xây dựng Quảng Ninh. Ảnh: Minh Đức

Hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình gắn với xử lý rác hữu cơ thành phân vi sinh đã được hội phụ nữ các cấp triển khai với 252 mô hình, có trên 4.800 hộ tham gia xây dựng các hố, bể ủ phân vi sinh. Qua đó đã thu được trên 300 tấn phân vi sinh, tương đương với số rác thải hữu cơ khoảng 3.200 tấn. Các mô hình về phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh hiện đang được triển khai hiệu quả tại hội phụ nữ các địa phương Móng Cái, Hạ Long, Đông Triều, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn.

Mô hình "Biến rác thành tiền" được triển khai tại 100% hội phụ nữ cấp huyện, cơ sở và 89,7% chi hội, thu hút được trên 41.000 hộ gia đình tham gia. Trong năm 2022, mô hình đã thu được gần 600 triệu đồng, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hội phụ nữ, chăm lo cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hoạt động nhân đạo, từ thiện tại địa phương.

Phong trào “Ngày chủ nhật xanh” tiếp tục được duy trì hiệu quả. Trong năm 2022, các cơ sở hội đã thu hút trên 365.000 lượt người tham gia, thu gom 605 tấn rác thải các loại, làm sạch trên 1.636km đường thôn, khu, nhà văn hóa, các điểm công cộng…

"Việc tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Để chương trình mang lại hiệu quả cao, việc thực hiện công tác tuyên truyền xuống từng người dân sẽ được Chi cục tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai".

Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030” đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại các khu đô thị, các xã đảo, xã có hoạt động du lịch, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn trên 99%; thực hiện hiệu quả phân loại tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và hạn chế chôn lấp.
Tin liên quan
Tin khác