Thiệt hại nặng nề sau bão
Bão số 3 (bão Yagi) được đánh giá là siêu bão, là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong 30 năm qua và 70 năm trên đất liền. Tâm bão đã đi thẳng vào vùng biển và đất liền tỉnh Quảng Ninh, cho dù trước đó đã nắm bắt và chủ động ứng phó, song địa phương vẫn phải hứng chịu thiệt hại rất nặng nề.
Theo thống kê, thiệt hại về tài sản ước tính trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khoảng 24.223 tỷ đồng, bằng 1/2 thiệt hại của cả nước do bão số 3 gây ra. Trong đó, Thành phố Hạ Long chịu thiệt hại nặng nề nhất, khoảng 8.765,1 tỷ đồng; huyện Vân Đồn khoảng 3.693,5 tỷ đồng; Thành phố Uông Bí khoảng 3.200 tỷ đồng; Thị xã Quảng Yên khoảng 2.305,8 tỷ đồng; Thị xã Đông Triều 2.219.9 tỷ đồng; Thành phố Cẩm Phả khoảng 1.127 tỷ đồng. Thiệt hại nhà ở, công trình kiến trúc 6.447 tỷ đồng; lâm nghiệp: 5.207 tỷ đồng; thủy sản: 3.692 tỷ đồng; văn hóa du lịch: 2.485 tỷ đồng.
Thiệt hại về nhà ở, công trình kiến trúc là 6.447 tỷ đồng; lâm nghiệp 5.207 tỷ đồng; thủy sản 3.692 tỷ đồng; nhà xưởng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, chợ 3.667 tỷ đồng; nông nghiệp, thủy lợi 1.624 tỷ đồng; giao thông 590 tỷ đồng; giáo dục và đào tạo 216 tỷ đồng; thông tin liên lạc 157 tỷ đồng; hạ tầng điện 128 tỷ đồng.
Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục khắc phục hệ thống điện chiếu sáng sau bão. Ảnh: Quỳnh Nga |
Tính đến ngày 16/9, có 29 người thiệt mạng, 4 người mất liên lạc, 1.609 người bị thương được điều trị tại các cơ sở y tế.
Qua thống kê, tổng hợp báo cáo từ các địa phương, đến ngày 16/9, có 102.859 nhà ở bị tốc mái; 254 nhà bị đổ sập; 5.008 nhà bị ngập, sạt lở. Về điện, viễn thông: 5.509 cột điện các loại bị gẫy, đổ; khoảng 70% cây xanh đô thị bị gẫy, đổ (tập trung ở cá đô thị lớn như: Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí…) 73 trạm điện, 1.211 trạm viễn thông mất liên lạc và 739 cột viễn thông bị hư hỏng. Có 27 tàu du lịch, 155 tàu vận tải bị chìm, đắm.
Về nông, lâm, ngư nghiệp, có 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 116 tàu bị chìm; 7.622 ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng; 96.974 ha rừng trồng bị gẫy đổ.
Những bài học kinh nghiệm
Đánh giá về công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại của bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra trên địa bàn cho thấy công tác chỉ đạo chuẩn bị, ứng phó, khắc phục đã được chỉ đạo khẩn trương, tập trung, chủ động, có trách nhiệm. Triển khai tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trung ương. Nắm chắc diễn biến, tình hình bão, có chỉ đạo sớm nhất, sát tình hình. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc. Các địa phương đều chủ động phương châm “4 tại chỗ” - chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Công tác hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng nhuần nhuyễn, linh hoạt, triển khai toàn diện và đạt kết quả thiết thực.
Mặc dù là cơn bão lớn chưa từng có trong thời gian qua, đặc biệt tâm bão đi thẳng vào vùng biển và đất liền tỉnh Quảng Ninh, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động; sự chỉ huy, phối hợp, điều hành kịp thời, sâu sát, sự cố gắng, nỗ lực của toàn tình và quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, các lực lượng đóng quân trên địa bàn, đến nay đã hạn chế thấp nhất các thiệt hại lớn chưa từng có về con người, tài sản. Các mặt hàng, dịch vụ, lĩnh vực sản xuất thiết yếu cơ bản được khắc phục.
Bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu. |
Trong thiên tai, bão lũ đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân, tương ái “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Nhiều tấm gương sáng, hình ảnh cao đẹp, thắm đượm nghĩa tình đồng bào, đồng chí đã góp phần khơi dậy, lan tỏa tình cảm, sự sẻ chia khó khăn với người dân vùng bão lũ.
Bên cạnh những ưu điểm, Quảng Ninh rất thẳng thắn chỉ ra những khó khăn và hạn chế. Thông tin chỉ huy, điều hành gặp khó khăn khi hạ tầng viễn thông bị tàn phá, có thời điểm một số địa bàn mất liên lạc cục bộ. Nhiều công trình xây dựng chưa được thiết kế, thi công đảm bảo sức chống chịu với thời tiết siêu cực đoan, nhất là nhà cao tầng, hạ tầng điện, viễn thông, cây xanh đô thị; an toàn đê điều có lúc bị thách thức ở một số vị trí xung yếu.
Qua thực tiễn diễn biễn và công tác chỉ đạo, ứng phó phắc phục thiệt hại bão và hoàn lưu bão gây ra trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đã rút ra được một số kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai trong thời tới để phát huy hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại. Đó chính là: Phòng chống thiên tai phải liên tục đảm bảo từ sớm, từ xa, phòng từ khi chư có nguy cơ, phải luôn rà soát, hát hiện các khâu cần quan tâm, củng cố; đề cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan; không mất bình tĩnh trước các tình huống; quán triệt và tổ chức phòng, chống, ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trước hết, trên hết”.
Trong tình huống đặc biệt, việc vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành là quan trọng hàng đầu, quyết định thành bại. Phải luôn quán triệt, luyện tập, vận hành nhuần nhuyễn các cơ chế; đảm bảo tốt thông tin chỉ huy.
Phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp; đề cao yếu tố tinh thần, truyền thống.
Khắc phục thiệt hại phải đồng bộ cả khẩn cấp, trước mắt cũng như tổng thể, lâu dài, có giải pháp khẩn cấp, giải pháp ngắn hạn và dài hạn, bố trí nguồn lực phù hợp; vừa đề cao hiệu quả xã hội trước mặt vừa chủ động hiệu quả lâu dài, ổn định.
Phấn đấu giữ vững chỉ tiêu 2 con số
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3, bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: “Trước những thiệt hại rất lớn do cơn bão gây ra nhưng với tinh thần tự lực, tự cường tránh nhiệm cao, sự chủ động và nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Chỉ sau 5 ngày, các dịch vụ thiết yếu cơ bản đã được khắc phục hoàn toàn. Các hoạt động trong đời sống của nhân dân, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh cũng đã đi vào hoạt động. Điều đó cho thấy, trong khó khăn lại càng thấy rõ được tình người, tình đồng chí, tình đồng đội, tình làng nghĩa xóm, sự chia sẻ hỗ trợ, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu. |
Sau khi nghe đại diện các ngành và địa phương báo cáo về công tác ứng phó, phòng chống, khắc phục bão, theo ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, các ngành liên quan cần nghiên cứu hoàn thiện một bộ cẩm nang hướng dẫn công tác phòng, chống, ứng phó với bão, với biến đổi khí hậu, thiên tai.
Bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra sau bão số 3 đó là phải nắm chắc diễn biến của bão để có chỉ đạo kịp thời, sát thực tế. Phải tập trung công tác cứu hộ cứu nạn một cách nhanh nhất, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất đánh giá thiệt hại của bão số 3, từ đó làm căn cứ cho các quyết sách khắc phục kinh tế - xã hội sau bão.
Quảng Ninh cũng sẽ báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão và mở rộng đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02 của Chính phủ. Các bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề bởi bão được vay vốn.
Với quyết tâm xây dựng Quảng Ninh phát triển đi lên từ gian khó, phát huy tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", Quảng Ninh đã và đang nỗ lực xây dựng đề án tái thiết và khôi phục nền kinh tế, quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số trong 1 thập kỷ qua, ông Cao Tường Huy nhấn mạnh.
UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3. |
Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả sau bão số 3.
UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen Văn phòng đại diện Báo Đầu tư. |