Đầu tư
Quảng Trị đề xuất đầu tư cảng chuyên dụng và băng tải chở than đá từ Lào
Thanh Hoài - 10/06/2023 11:32
UBND tỉnh Quảng Trị vừa chủ trì cuộc họp về báo cáo đề xuất Dự án xây dựng cảng chuyên dụng và băng tải chở than đá từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về Quảng Trị.

Tại cuộc họp, Đại diện chủ đầu tư Công ty TNHH đầu tư Central Capital cho biết: doanh nghiệp đang hợp tác với Công ty Xekong Power Plant (Lào) để vận chuyển than từ mỏ Kaleum (Lào) về Quảng Trị bằng hình thức băng tải với tổng chiều dài 160 km, trong đó qua địa bàn tỉnh Quảng Trị dài 70 km, Dự án bao gồm 2 hợp phần là cảng chuyên dụng và hệ thống băng tải.

Trong đó, cảng chuyên dụng và hạ tầng cảng đáp ứng tiếp nhận tàu 50.000 DWT, công suất tiếp nhận 30 triệu tấn hàng/năm; hạ tầng đồng bộ và hiện đại bao gồm: cầu tàu, đê chắn sóng, kho chứa hàng, bãi đỗ xe, cấp điện, cấp thoát nước; vị trí xây dựng tại xã Hải An, huyện Hải Lăng.

Phần băng tải gồm xây dựng băng tải kín, đi nổi trên cầu máng và hệ dầm, giàn thép. Điểm đầu tuyến tại bãi tập kết gần Cửa khẩu quốc tế La Lay, điểm cuối tuyến tại cảng chuyên dụng; chiều dài toàn tuyến hơn 70 km, bề rộng băng tải là 6 m, vận hành bằng nguồn điện.

Dự án có tổng diện tích sử dụng đất 185 ha (phần cảng chuyên dụng 100 ha, băng tải 45 ha, kho bãi đề phòng sự cố 40 ha), tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng (phần cảng chuyên dụng là 2.500 tỷ đồng, phần băng tải là 5.000 tỷ đồng). Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2023 - 2026.

Theo nhà đầu tư, doanh thu từ hệ thống băng tải đạt khoảng 2.350 tỷ đồng/năm, vận hành cảng chuyên dụng khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, dự kiến nộp ngân sách khoảng 800 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, địa phương còn có nguồn thu ngân sách từ hợp đồng kinh doanh than của các doanh nghiệp trên địa bàn cho 20 triệu tấn than đá/năm (khoảng 4.000 tỷ đồng).

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng và các phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và chưa có tiền lệ khi vận tải than đá qua biên giới bằng hệ thống băng tải. Đặc biệt, dự án sẽ nâng tầm hợp tác kinh tế, xứng tầm với hợp tác chính trị giữa 2 nước Việt Nam - Lào.

Với lợi ích mà Dự án có thể mang lại, như đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hiện thực hóa tuyến vận tải hàng hóa từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đi cảng Mỹ Thủy, trên cơ sở ý kiến tham gia của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tích cực phối hợp nhà đầu tư để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn chỉnh thủ tục đầu tư Dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác