Thời sự
Quốc hội chuẩn bị chất vấn: Bộ trưởng nào cũng có thể lên "ghế nóng"
An Nguyên - 05/11/2020 14:56
Kỳ họp thứ 10 này, về lý thuyết thì tất cả các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đều có thể được mời lên "ghế nóng", khi có chất vấn liên quan trực tiếp đến lĩnh vực phụ trách.
Theo thông lệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ trực tiếp điều hành các phiên chất vấn.

Kỳ họp thứ 10 này, Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề mà vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì cá nhân có trách nhiệm trực tiếp trả lời.

Sau ba ngày liên tục thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội, ngân sách, từ sáng 6/11 Quốc hội sẽ bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tổng thời gian dành cho hoạt động này là 2,5 ngày (ngày 6/11, ngày 9/11 và sáng 10/11/2020).

Trước khi tiến hành chất vấn, Quốc hội sẽ nghe các cơ quan chịu sự giám sát trình bày báo cáo việc thực hiện nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội trình bày báo cáo tổng hợp thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội sẽ không phát biểu thảo luận mà tiến hành chất vấn ngay.

Với các kỳ họp trước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến, chọn nhóm vấn đề và người trả lời chất vấn (thường là 4 vị Bộ trưởng, trưởng ngành), nội dung chất vấn chỉ gói trong các nhóm vấn đề đã được quyết định.

Riêng kỳ này, kỳ họp của năm cuối nhiệm kỳ, chất vấn sẽ không theo nhóm vấn đề mà chất vấn những người đứng đầu các cơ quan liên quan về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì cá nhân có trách nhiệm trực tiếp trả lời theo điều hành của Chủ tọa.

Như vậy, về lý thuyết thì tất cả các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đều có thể được mời lên "ghế nóng", khi có chất vấn liên quan trực tiếp đến lĩnh vực phụ trách.

Trong số các thành viên Chính phủ, không phải ai cũng là đại biểu Quốc hội đương nhiệm, nhưng họ đều được mời đến tham dự các phiên chất vấn để "sẵn sàng" chia lửa cho các vị khác, còn nếu được chọn là người trực tiếp trả lời chất vấn thì đương nhiên phải có mặt.

Kỳ họp thứ 10 này, lần đầu tiên trong cả nhiệm kỳ 14, các phiên chất vấn được bố trí liền sau ba ngày thảo luận toàn thể về kinh tế, xã hội, nên nhiều thành viên Chính phủ không phải đại biểu cũng đã có mặt tại hàng ghế khách mời ở phòng Diên Hồng, như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó thống đốc  Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng...

Phiên thảo luận sáng 5/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - đại biểu Quốc hội đương nhiệm- không chỉ phát biểu giải trình mà còn dùng quyền tranh luận để trao đổi lại với các vị đại biểu về một số vấn đề liên quan đến thuỷ điện. Động thái này được một số vị đại biểu nhìn nhận là tích cực, dù nội dung trao đổi của Bộ trưởng còn có vấn đề cần tiếp tục được tranh luận.

Phiên họp cuối năm của Quốc hội, như thường lệ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngoài việc trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sẽ phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại cuối phiên chất vấn. Như Baodautu.vn đã thông tin, theo chương trình chi tiết, người đứng đầu Chính phủ được dành 115 phút vào cuối phiên chất vấn sáng 10/11.

Về cách thức, kỳ họp này tiếp tục thực hiện mỗi lượt chất vấn có từ 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút/lần; người bị chất vấn trả lời không quá 3 phút/câu, tranh luận không quá 2 phút.

Đến thời điểm này, tất cả các báo cáo phục vụhoạt động chất vấn đều đã được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì đa số báo cáo gửi chậm so với yêu cầu theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ảnh hưởng tới tiến độ thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Một số báo cáo của Chính phủ chủ yếu liệt kê các công việc đã triển khai trong thời gian qua mà chưa có sự đánh giá, phân tích, so sánh về hiệu quả cũng như chuyển biến tích cực từ khi triển khai các yêu cầu, giải pháp nêu trong Nghị quyết của Quốc hội; chưa nêu rõ những nhiệm vụ đã hoàn thành, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, những nhiệm vụ đang trong quá trình triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu đề ra trong Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số tồn tại, hạn chế nêu còn chung chung, chưa gắn với các nội dung cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện.

Những nhiệm vụ chưa hoàn thành, chắc chắn sẽ trở lại trong các chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong cuộc "tổng rà soát" lần này. 

Tin liên quan
Tin khác