Quốc hội Peru đã chinh thức bỏ phiếu thông qua Hiệp định CPTPP. |
Với 97 phiếu thuận, 9 phiếu trống, Quốc hội Peru vừa bỏ phiếu thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Peru, ông Gilmer Trujillo nhận định rằng, việc phê chuẩn Hiệp định có ý nghĩa chiến lược, cho phép nền kinh tế này tiếp cận thị trường của 11 nước thành viên với tổng dân số 502 triệu người, chiếm 13.5% GDP và 14.5% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.
Cùng với Hiệp định CPTPP, Quốc hội Peru cũng thông qua thư song phương từ một số nước thành viên CPTPP để xác nhận các thỏa thuận song phương, cụ thể bao gồm: Thư của Canada về các ngành văn hóa, thư của Malaysia về các dịch vụ thẻ thanh toán điện tử và không truy đòi giải quyết tranh chấp đối với các biện pháp không tương thích liên quan đến Doanh nghiệp Nhà nước, Thư từ Australiavề một số hàng hóa và về việc chấm dứt thỏa thuận quảng bá và bảo vệ đầu tư hai chiều.
Sau khi Quốc hội chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định, nước này sẽ sớm hoàn thành bước tiếp theo, là “thông báo cho nước Lưu chiểu của Hiệp định”, và Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực tại Peru trong vòng 60 ngày sau đó.
Với việc thực thi Hiệp định CPTPP, hàng hóa xuất khẩu của Peru có thể tiếp cận và được hưởng ưu đãi thuế quan từ các nước thành viên trong khối, đặc biệt là New Zealand, Việt Nam, Brunei và Malaysia - những nước mà Peru chưa có Hiệp định thương mại song phương
Các mặt hàng của Peru sẽ được hưởng lợi ích từ việc thông qua Hiệp định CPTPP bao gồm áo phông từ vải cotton, các trái cây như bơ, nho, việt quất, thức ăn cho gia súc, cực âm đồng, sản phẩm gỗ, ván ép, sản phẩm sữa, sản phẩm sắt và thép, hóa chất đầu vào, ethanol và bánh quy ngọt.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, thương mại Việt Nam - Peru 6 tháng đầu năm 2021 đã chứng kiến sự tăng trưởng rất mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu sang Peru đạt 284,5 triệu USD, tăng 124,7% so với cùng kỳ năm 2020; Việt Nam nhập hàng hóa từ Peru 40,8 triệu USD, tăng 4,7%.
Thương mại song phương sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ thuận lợi hóa thương mại, và những ưu đãi thuế quan từ CPTPP mang lại.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Mexico, Nhật Bản, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Brunei, Malaysia, Peru, Chile và Việt Nam.
Hiệp định đã được ký kết ngày 8/3/2018 tại Santiago, Chile và chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm: Mexico, Nhật Bản, Singapore, Australia, New Zealand, Canada. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.