Kết quả biểu quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. |
Với 473/478 đại biểu tán thành, chiều 19/6 Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.387.906 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2020 chuyển sang năm 2021, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2020, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.484.439 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022.
Bội chi ngân sách nhà nước là 214.053 tỷ đồng, bằng 2,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 455.927 tỷ đồng.
Nghị quyết nêu rõ, năm 2021, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành các quy định pháp luật và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước còn chưa nghiêm; các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chậm được khắc phục.
Dự toán thu tiền sử dụng đất của nhiều địa phương chưa sát so với thực hiện. Một số Bộ, ngành, địa phương phân bổ, giao dự toán chậm. Công tác chuẩn bị đầu tư tại nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm, chú trọng; giải ngân vốn đầu tư công chậm; phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản lớn; chi chuyển nguồn tiếp tục tăng cả quy mô và tỷ trọng; còn nhiều khoản tạm ứng quá hạn, ứng trước dự toán chưa thu hồi.
Nhiều Bộ, ngành, địa phương lập, xét duyệt, gửi quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời gian quy định. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm, còn tồn đọng nhiều kết luận, kiến nghị kéo dài nhiều năm. Việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của một số Bộ, ngành, địa phương theo các Nghị quyết của Quốc hội thực hiện chưa nghiêm.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách nhà nướ thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, sử dụng, quyết toán ngân sách nhà nước, không lặp lại các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, các tập thể, cá nhân thuộc các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước có vi phạm trong lập, chấp hành dự toán, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; lập, gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 chậm so với thời gian quy định.
Yêu cầu nữa từ Quốc hội là đẩy nhanh công tác thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán các chương trình, dự án. Rà soát, xác định chính xác số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách nhà nước tại thời điểm ngày 31/12/2022, báo cáo Quốc hội khi đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Nghị quyết cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng để vừa bảo đảm sử dụng đúng mục đích theo quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, vừa bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, sử dụng không đúng quy định, tổng hợp báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).