Thời sự
Quốc hội quyết định hướng xử lý vấn đề của Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Nguyễn Lê - 13/11/2021 11:28
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của lọc hóa dầu Nghi Sơn.
.

Sáng 13/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV với 467/479 đại biểu tán thành, 7 vị không tán thành và 5 người không biểu quyết. 

Tại đây, Quốc hội quyết định Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và thực hiện dự toán, quyết toán theo quy định.

Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện nội dung này đồng bộ với các cam kết khác theo đúng Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ, báo cáo Quốc hội số tiền xử lý bù giá nêu trên khi lập và thực hiện dự toán, quyết toán hằng năm; số liệu xử lý bù giá phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán.

Báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có ý kiến đề nghị không thiết kế nội dung về cơ chế xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá cho bao tiêu sản phẩm của Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn thành một mục riêng và đề nghị chỉ nêu tên nội dung này .

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là một nội dung quan trọng, cần phải nêu rõ yêu cầu để Chính phủ và các cơ quan có liên quan thực hiện và là căn cứ để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan giám sát, kiểm tra.

Sáng 13/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV với 467/479 đại biểu tán thành, 7 vị không tán thành và 5 người không biểu quyết. 

Từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, xung quanh các cam kết ưu đãi với Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được đại biểu lên tiếng, cho rằng cần có câu trả lời thoả đáng.

Tới Kỳ họp thứ hai này, Quốc hội đã xem xét vấn đề trên trong một phiên họp riêng vào chiều 12/11.

Rút kinh nghiệm trong chống dịch

Ngoài nội dung trên, Nghị quyết còn nêu nhiều nội dung khác đã được xem xét, quyết định tại kỳ họp.

Theo đó, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội yêu cầu đánh giá sâu sắc công tác phòng, chống dịch thời gian qua để rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành.

Theo nghị quyết, công tác triển khai, phối hợp thực hiện ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc; tổ chức thực hiện thiếu thống nhất, thiếu nhất quán, chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất, không theo kịp diễn biến của tình hình thực tế.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã theo các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm việc thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời hạn.

Khẩn trương đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 một cách tổng thể, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ các nhóm đối tượng bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn cũng như các biện pháp tổ chức thực hiện nhằm cải thiện khả năng tiếp cận, nâng cao tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ.

Tiếp tục rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh để xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết, các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Với yêu cầu này, Quốc hội lưu ý phải bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, phù hợp với thực tiễn, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng, chống dịch; đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư trong công tác phòng, chống dịch và có cơ chế huy động hiệu quả các tổ chức y tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ y tế trong phòng, chống dịch.

Chính phủ nghiên cứu và đề xuất cơ chế huy động đầu tư vào hoạt động sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế trong nước; có kế hoạch để chủ động về vắc xin và thuốc điều trị bệnh COVID-19, Quốc hội yêu cầu.

Không để lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

Với công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội lưu ý siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Không để bị tác động, chi phối bởi các hành vi không lành mạnh hoặc lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của tổ chức, cá nhân vào các văn bản quy phạm pháp luật. Xử lý dứt điểm tình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết, nhất là văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực từ năm 2019 và 2020, phấn đấu không để xảy ra chậm, nợ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành trong năm 2022.

Về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020, yêu cầu được nêu tại nghị quyết là khẩn trương trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đồng bộ với việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 để trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đánh giá, rà soát những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong thời gian thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng sinh sống tại các khu vực II, III được chuyển lên khu vực I.

Nghị quyết cũng nêu yêu cầu giao chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế cho các địa phương giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ để duy trì và mở rộng đối tượng tham gia nhằm thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, đặc biệt là ở các tỉnh tại khu vực miền núi.

Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ mức đóng hoặc hỗ trợ mức đóng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước; ban hành cơ chế tài chính và chính sách cán bộ phù hợp, tạo điều kiện phát triển y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, công tác giám định bảo hiểm y tế; sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó bao gồm việc thanh toán chi phí khám và điều trị cho người bệnh COVID-19 cũng là yêu cầu từ Quốc hội tại kỳ họp này.

Tin liên quan
Tin khác