Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, không còn cụm từ “tăng trưởng nhanh”, thay vào đó, đã nhấn mạnh yếu tố “phát triển bền vững”. |
Thận trọng khi Quốc hội quyết nghị tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ ở mức 6,8%, sau khi đã tăng trưởng 7,08% trong năm 2018 và gần như chắc chắn sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn 6,8% trong năm 2019.
Thận trọng khi sau nhiều năm liên tiếp nền kinh tế có xuất siêu, nhưng năm 2020, mục tiêu kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn tiếp tục được đặt ra.
Thận trọng khi mục tiêu kiểm soát lạm phát tiếp tục được quyết nghị ở mức dưới 4%, dù năm 2019, lạm phát có thể được kiềm giữ ở mức dưới 3%...
Và cũng rất thận trọng khi ngay trong mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, không còn cụm từ “tăng trưởng nhanh”, thay vào đó, đã nhấn mạnh yếu tố “phát triển bền vững”.
6,8% là mức tăng trưởng được cho là hợp lý, bảo đảm được sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Vẫn đặt ra mục tiêu kiểm soát nhập siêu là vì thương mại toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn, thách thức… Trong khi đó, sản xuất trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu, nhiên liệu nhập khẩu.
Còn lạm phát cao vẫn ẩn chứa nguy cơ quay trở lại, khi giá cả, thị trường toàn cầu diễn biến khó lường…
Và không chỉ là thận trọng, quyết nghị các mục tiêu không cao hơn so với năm 2019 là cách Quốc hội “dành” dư địa để Chính phủ điều hành nền kinh tế theo hướng tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thay vì tăng trưởng cao bằng mọi giá. Đã đến lúc, Chính phủ phải coi trọng hơn các yếu tố chất lượng, tính bền vững, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhưng dù các mục tiêu được đặt ra không cao hơn so với năm 2019, song để đạt được cũng không phải chuyện đơn giản. Bởi rõ ràng, kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn chứa đựng những yếu tố bất ổn. Chỉ một chút sơ sẩy, mục tiêu năm 2020 không đạt được sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020.
Nhiệm vụ vì thế là nặng nề, trách nhiệm là không nhỏ.
Tại nghị trường Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ khi đăng đàn trả lời chất vấn đã nhấn mạnh thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay không phải là “thoát bẫy thu nhập trung bình”, nguy cơ lớn nhất cũng không phải là “tụt hậu về kinh tế”, mà là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và không hành động vì sợ trách nhiệm.
Chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng, thực tiễn và bối cảnh đòi hỏi chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nhanh và mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để đạt mục tiêu chiến lược là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phải cùng quyết chí, đồng tâm hợp lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Và rằng, nghị quyết, chính sách của quốc gia được thực thi có hiệu quả hay không thì cần có sự chung tay vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò chủ động, tích cực của các địa phương.
Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam sẽ đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả này có thể sẽ cao hơn nữa nếu mỗi người dân Việt Nam cùng nêu gương, hành động quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế.
Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với riêng năm 2019, mà còn với cả năm 2020 và các năm tiếp theo. Nghị quyết của Quốc hội đã có, giờ là lúc phải nỗ lực hành động, vì sự phát triển của nền kinh tế, vì sự thịnh vượng của đất nước.