Một phiên họp toàn thể cuối tuần qua của Quốc hội. |
Giám sát tối cao về quy hoạch, xem xét 5 dự án quan trọng quốc gia, dành 2 ngày thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách... tuần làm việc thứ hai, kỳ họp thứ ba của Quốc hội dày đặc các vấn đề quan trọng.
Cả ngày thứ hai (30/5), Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Hôm sau (31/5), buổi sáng Quốc hội nghe tờ trình và chiều thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, các dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đây đều là 5 dự án quan trọng quốc gia, cần Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, dù là trình sớm hơn như 2 dự án vành đai hay gấp gáp như 3 dự án ở các tỉnh thì cũng còn nhiều vấn đề được Kiểm toán Nhà nước lưu ý, đề nghị tính toán lại.
Trong đó với dự án Vành đai 4, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần 3 tổng chiều dài tuyến bao gồm cả đường, cầu cạn, nút giao, cầu, hầm, trạm thu phí lớn hơn tổng chiều dài tuyến đường (dài hơn khoảng 12,59 km cầu cạn tương đương với giá trị 4.487,28 tỷ đồng; tính khối lượng cầu cạn sang cầu vượt dòng chảy làm tăng giá trị khoảng 549,21 tỷ đồng...).
Tiếp đó, cả ngày 1/6 và sáng 2/6, Quốc hội thảo luận hai nội dung rất quan trọng.
Một là, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình những tháng đầu năm 2022.
Hai là, việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết này.
Trước đó, trong tuần làm việc đầu tiên, cả hai nội dung này đều đã được thảo luận tại tổ.
Về tình hình kinh tế, xã hội, điểm chung tại nhiều tổ thảo luận là đánh giá cao kết quả đạt được trong ổn định kinh tế vĩ mô, song rất quan ngại về thực trạng có tiền mà không tiêu được, tiến độ Chương trình phục hồi kinh tế chậm chạp, những vấn đề của thị trường chứng khoán, trái phiếu...đang cần giải pháp hiệu quả hơn.
Một số vị đại biểu còn bày tỏ lo ngại khi mà hai năm qua, nhiều tình huống khẩn cấp cần thực hiện những quy định ngoài luật, song hành lang để bảo vệ cán bộ dám đột phá vì lợi ích chung lại chưa đầy đủ, khiến cho cán bộ "ngại" đưa ra quyết định, một số công việc ách tắc.
Để phục vụ các phiên thảo luận, bên cạnh báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các vị đại biểu còn được cung cấp báo cáo ý kiến của Ủy ban Xã hội về những lĩnh vực thuộc Ủy ban phụ trách.
Tại báo cáo này, Ủy ban Xã hội lưu ý một số vấn đề cần quan tâm, như một số tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng như đánh bạc qua mạng, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng... Xuất hiện những loại hình mại dâm mới phức tạp và tinh vi hơn như mại dâm đồng tính, môi giới mại dâm dùng công nghệ....
Trong khi đó, việc đấu tranh đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao như đánh bạc qua mạng, chiếm đoạt tài sản... rất khó khăn do phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, bên cạnh đó lực lượng phòng chống tội phạm chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ phục vụ công tác nghiệp.
Trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, một trong những vấn đề Uỷ ban Xã hội lưu ý là sự xuất hiện của bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” thời gian gần đây sẽ tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác, có khả năng đe dọa hệ th ng y tế toàn cầu trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn chưa kết thúc; bên cạnh đó vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân hiện cũng đáng báo động, tình trạng trầm cảm, tự tử đặc biệt ở phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Cơ quan của Quốc hội đề nghị Bộ Y tế sớm sửa đổi, bổ sung Luật Dược, tham mưu đề xuất xây dựng các dự án Luật Phòng bệnh, Luật Trang thiết bị y tế.
Về Nghị quyết số 42, bên cạnh một số đại biểu đồng tình kéo dài, phiên thảo luận tổ cũng ghi nhận ý kiến phản biện, rằng Nghị quyết số 42 cũng có những quy định không phù hợp, vậy tại sao lại tiếp tục đề xuất kéo dài việc không phù hợp này. Tại sao không sửa đổi Nghị quyết hay ban hành mới?
Một số vị đại biểu nhấn mạnh khi ban hành Nghị quyết số 42 năm 2017, Quốc hội cũng đã giao Chính phủ là tổng kết Nghị quyết này (thí điểm 5 năm từ 15/8 năm 2017 đến 15/8 năm 2022) phải báo cáo Quốc hội và đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Vì thế, đến nay phải sửa đổi quy định pháp luật chứ không nên tiếp tục kéo dài chính sách thí điểm.
Sau một ngày rưỡi thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách, chiều 2/6, hai nội dung được đặt thảo luận tại phiên toàn thể gồm phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Với nội dung thứ nhất, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 do Chính phủ trình: Thu cân đối NSNN 2.279.735,577 tỷ đồng; chi cân đối NSNN 2.352.929,840 tỷ đồng; Bội chi NSNN 216.405,589 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP thực hiện.
Thứ sáu (3/6), Quốc hội dành cả ngày cho công tác lập pháp.
Buổi sáng, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Sau đó Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.