Thời sự
Quốc hội xem xét phê chuẩn CPTPP giữa tháng 11
Mạnh Bôn - 22/10/2018 13:54
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. “CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, vì vậy, việc Việt Nam tham gia CPTPP là quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị”, ông Phúc nhấn mạnh.

Thưa ông, lịch trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định CPTPP ngay tại kỳ họp này như thế nào?

Dự kiến, ngày 2/11/2018, Chủ tịch nước trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Sau đó, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh CPTPP cùng các văn kiện liên quan; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn CPTPP và các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về nội dung này. Chiều 5/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn CPTPP và ngày 12/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP. 

.

Sau Mexico, Nhật Bản và Singapore, mới đây, ngày 17/10, Thượng viện Australia đã phê chuẩn CPTPP. Nhiều khả năng Việt Nam trở thành thành viên thứ 5 trong số 11 thành viên phê chuẩn CPTPP. Theo quy định, nếu có từ 6 thành viên phê chuẩn trở lên thì CPTPP sẽ có hiệu lực.

Ngày 8/3/2018, tại Santiago (Chile), Việt Nam cùng 10 đối tác đã ký CPTPP. Vậy vì sao vẫn cần thẩm tra về việc phê chuẩn CPTPP?

Theo quy định của Luật Các điều ước quốc tế, các cơ quan của Quốc hội, cụ thể là Ủy ban Đối ngoại chịu trách nhiệm thẩm tra sự cần thiết phê chuẩn điều ước quốc tế; việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế; tính hợp hiến và mức độ phù hợp với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban cũng phải chịu trách nhiệm thẩm tra khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; và yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội để thực hiện điều ước quốc tế.

Qua thẩm tra, rà soát, Quốc hội mới biết được cần phải sửa đổi, bổ sung bao nhiêu luật, pháp lệnh để phù hợp với các điều ước quốc tế đã ký kết. Với CPTPP, Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung tổng cộng 8 luật. Tất nhiên, việc sửa đổi, bổ sung phải theo lộ trình, chứ không phải ký kết, tham gia xong phải sửa đổi ngay. Song nếu việc sửa đổi không kịp thời theo lộ trình thực hiện CPTPP, thì có thể phải đối mặt với các vụ kiện do không thực hiện cam kết. 

Chính phủ, các bộ, ngành đã chuẩn bị rất kỹ cho việc tham gia CPTPP. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng thẩm tra rất kỹ tính hợp hiến, hợp pháp của việc tham gia Hiệp định. Có nhất thiết phải dành một buổi để đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và một buổi thảo luận ở hội trường?

Nghị quyết phê chuẩn CPTPP là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì đại biểu Quốc hội phải thảo luận tại tổ và tại hội trường, dù văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo quy trình rút gọn, tức là thông qua tại một kỳ họp Quốc hội. 

CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tác động rất lớn tới hầu hết các lĩnh vực, đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính riêng về hoạt động nhập khẩu, ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, hầu hết hàng hóa từ 10 thị trường thành viên nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế nhập khẩu 0%. Điều này sẽ tác động rất mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp - lĩnh vực mà Việt Nam đã và đang có lợi thế rất lớn trong xuất khẩu. 

Nhưng khi Việt Nam dỡ bỏ hàng rào thuế quan với 10 thị trường trong CPTPP, liệu hàng nông sản, thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam có còn lợi thế không? Nếu bị mất lợi thế, đặc biệt là gặp bất lợi, thì việc tham gia CPTPP sẽ tác động ngay tới 20,7 triệu người đang làm việc ở khu vực này, chiếm hơn 38% lực lượng lao động; tác động ngay tới hơn 61 triệu người dân nông thôn, chiếm 64,5% dân số cả nước. 

Về xuất khẩu, ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào 10 thị trường đối tác cũng được hưởng thuế suất 0%. Đây là lợi thế rất lớn của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa các nước không tham gia CPTPP. Nhưng liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội hay không, tận dụng được bao nhiêu phần trăm cơ hội, những mặt hàng nào, lĩnh vực nào Việt Nam có lợi thế… là điều cần đánh giá kỹ. 

Vì tác động sâu và rộng như vậy, nên đại biểu Quốc hội cần phải có thời gian thảo luận để đưa ra các giải pháp tận dụng cơ hội, lợi thế, khắc phục hạn chế, bất lợi, chứ không để “nước đến chân mới nhảy”.

Quốc hội dành 1 ngày để thảo luận về CPTPP, trong khi chỉ dành 1 buổi để thảo luận tình hình ngân sách nhà nước, kinh tế - xã hội và báo cáo giữa kỳ đánh giá việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, thưa ông?

Khác với tất cả các kỳ họp khác, ngoài việc thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, lần này Quốc hội thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 năm giai đoạn 2016 -2020; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019 - 2021; Đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế; Kế hoạch đầu tư công trung hạn; Tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020... Tổng cộng thời lượng dành cho thảo luận tại tổ tất cả các nội dung này chỉ có một buổi. 

Tuy nhiên, tôi cho là không ngắn vì chương trình làm việc của Quốc hội được sắp xếp một cách khoa học hơn, tức là các đại biểu chỉ thảo luận những nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa các báo cáo của Chính phủ và báo cáo của các ủy ban thẩm tra. Quốc hội có tổng cộng 63 đoàn đại biểu được chia làm 19 tổ, các tổ thảo luận ở các phòng làm việc khác nhau, nên nếu kéo dài thời gian thảo luận tổ, sẽ bị trùng lặp các ý kiến, do các đại biểu có thể không biết tổ khác đã thảo luận về vấn đề này. 

Vì vậy, kỳ họp này giảm thời gian thảo luận tổ, nhưng dành 3 ngày để thảo luận ở hội trường về các nội dung trên. Thảo luận ở hội trường được phát thanh, truyền hình trực tiếp và các ý kiến không bị trùng lắp.

Tin liên quan
Tin khác