Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc và Đại diện Thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) trong cuộc họp gần đây với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang bắt tay vào thế hệ chiến lược tiếp theo về phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2015-2020, tạo điều kiện để đưa các lựa chọn đầu tư xanh trở thành một phần không tách rời trong các ưu tiên phát triển của mình.
“UNDP cam kết đi cùng Việt Nam trên con đường tăng trưởng xanh của mình và giúp Việt Nam nắm lấy cơ hội đầu tư xanh”, bà Mehta phát biểu.
Các lựa chọn đầu tư xanh đang dần trở thành một phần không tách rời trong các ưu tiên phát triển của Việt Nam. Ảnh: GE |
UNDP, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã khởi động sáng kiến “Tăng cường năng lực và cải cách thể chế vì tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam”. Sáng kiến trị giá 4,13 triệu USD này nhằm giúp Việt Nam theo đuổi tăng trưởng xanh và được thực hiện từ nay đến năm 2018.
“Thông qua các kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh và thành phố, dự án này sẽ giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ nỗ lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tận dụng cơ hội đầu tư xanh mới, cung cấp đào tạo cho cán bộ chính phủ và khuyến khích các ngành kinh doanh và việc làm xanh”, bà Mehta nhấn mạnh.
“Dự án này cũng sẽ hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ khác kiểm tra một loạt công cụ tài khoá và công cụ thị trường nhằm tăng cường môi trường đầu tư nhằm ứng dụng công nghệ sạch hơn và thu hút đầu tư xanh trong lĩnh vực giao thông”, bà nói thêm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát khung chính sách của nhà nước về đầu tư và phối hợp với Bộ Tài chính để đánh giá các công cụ chính sách tài khóa, để từ đó xác định những điểm còn thiếu và đề xuất cải cách chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế xanh hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải rà soát các khuyến khích về đầu tư cho mạng lưới vận tải hiệu suất năng lượng. Bằng việc loại bỏ dần các rào cản cho tăng trưởng xanh, dự án được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hình thành mối quan hệ đối tác công - tư để đón nhận những cơ hội mới về đầu tư xanh.
Theo bà Mehta, Việt Nam có tầm nhìn sâu rộng và có cam kết chính trị rõ rệt, thể hiện qua việc công bố Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam năm 2012 và Kế hoạch Hành động Tăng trưởng Xanh năm 2014. Việt Nam đang đi tiên phong trong các nước có vai trò lãnh đạo. Từ khi Việt Nam trở thành nước sớm thông qua chương trình nghị sự tăng trưởng xanh toàn cầu, UNDP đã là đối tác vững chắc của Chính phủ Việt Nam và sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Việt Nam nhằm triển khai các chính sách tăng trưởng xanh.
Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nỗ lực tăng trưởng xanh của Việt Nam đã và đang nhận được sự ủng hộ to lớn từ cộng đồng quốc tế, như UNDP, EU, KOICA, GIZ, Danida, Bỉ, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), USAID và Ngân hàng Thế giới (WB).
Vào tháng trước, đại diện của Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Công thương đã ký một văn bản hợp tác trong lĩnh vực phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam.
Trước đó, EU đã cam kết hỗ trợ một khoản tiền trị giá 346 triệu euro (449,8 triệu USD) cho Việt Nam phát triển năng lượng bền vững. Đây là một trong 2 lĩnh vực trọng tâm hợp tác của Việt Nam và EU trong giai đoạn 2014-2020.
Kể từ năm 1993, Việt Nam đã nhận được khoảng 11 tỷ USD hỗ trợ phát triển chính thức dưới dạng các chương trình và dự án liên quan tới biến đổi khí hậu.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8/2014, Phó chủ tịch và Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Nhóm WB, bà Rachel Kyte cho biết, WB cam kết hỗ trợ Việt Nam cả về tài chính và kỹ thuật, kiến thức và kinh nghiệm, điều phối các nỗ lực toàn cầu để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng nền kinh tế các-bon thấp.
Hiện nay, WB đang hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế các-bon thấp thông qua nhiều loại dự án, như Dự án Nâng cao hiệu suất truyền tải điện (500 triệu USD), Dự án Quản lý ô nhiễm công nghiệp (50 triệu USD), Dự án Phát triển năng lượng tái tạo (202 triệu USD) và Dự án Quản lý các mối nguy hại tự nhiên (150 triệu USD).
Dự án Phát triển năng lượng tái tạo tập trung vào việc nâng cao cung ứng điện cho lưới điện quốc gia từ các nguồn năng lượng tái tạo trên cơ sở bền vững về mặt thương mại, môi trường và xã hội. Trong khi đó, Dự án Quản lý các mối nguy hại tự nhiên tập trung vào việc tăng cường năng lực của người dân và tài sản kinh tế trước rủi ro từ thiên nhiên tại các lưu vực sông nơi dự án được thực hiện, trong khuôn khổ tổng thể của Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.
Ý kiến - Nhận định Nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên ở Việt Nam trong thập kỷ tới. - Ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Môi trường, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh là lĩnh vực trọng tâm trong sự hỗ trợ phát triển của Đan Mạch trong những năm qua. Đan Mạch là nhà tài trợ đầu tiên tham gia Chương trình Mục tiêu quốc gia về Biến đổi khí hậu của Việt Nam từ năm 2009, đã hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với trái đất nóng lên và cải thiện việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Năm 2013, Đan Mạch và Việt Nam đã ký Thỏa thuận Đối tác toàn diện, nhằm củng cố và mở rộng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp. Sự thúc đẩy phát triển công nghệ sạch và những hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu là những lĩnh vực quan trọng của Thỏa thuận này. Những sự hợp tác trên được thể hiện rõ hơn ở những ví dụ cụ thể về cam kết của Đan Mạch trong việc tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực năng lượng hiệu quả ở Việt Nam với số vốn 11 triệu USD. Nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên ở tất cả ngành và lĩnh vực sản xuất tại Việt nam trong thập kỷ tới. Vì thế, Việt Nam sẽ phải áp dụng các chính sách bền vững thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng hiệu quả và giới thiệu đưa vào sử dụng công nghệ sạch hơn nếu Việt Nam thực sự muốn thúc đẩy một nền kinh tế xanh hơn. JICA tiếp tục hỗ trợ quản lý môi trường. - Ông Mori Mutsuya Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Mặc dù Dự án Hợp tác kỹ thuật về quản lý ô nhiễm không khí vừa kết thúc tháng 3/2015, nhưng JICA sẽ làm việc tiếp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) để xây dựng các nghị định và thông tư liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Trong quản lý môi trường nước, dựa trên kết quả dự án hợp tác kỹ thuật, JICA phối hợp với Bộ TN-MT xây dựng mô hình cơ chế liên tỉnh quản lý lưu vực sông. Về quản lý chất thải rắn, JICA đang thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật với Bộ Xây dựng nhằm đưa ra chính sách về quản lý chất thải rắn ở cấp quốc gia, đồng thời xem xét quy hoạch quản lý chất thải rắn của Hà Nội. Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ Thừa Thiên Huế xây dựng quy hoạch quản lý chất thải rắn. Chúng tôi đánh giá cao Chiến lược phát triển xanh của Việt Nam. - Ông Jochem Lange, Giám đốc quốc gia, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) trực thuộc nhà nước liên bang, đang thực hiện khoảng 25 dự án trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chính sách môi trường, hệ sinh thái ven biển, đa dạng hóa sinh học... Trong lĩnh vực năng lượng, GIZ đóng góp vào việc thiết lập khuôn khổ pháp luật cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học. GIZ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển các nguồn năng lượng tái tạo này và nâng cao việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với vấn đề về chất lượng, làm giảm khả năng xuất khẩu. GIZ tập trung vào việc xây dựng chính sách môi trường và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Đức hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để phát triển các cách tiếp cận sản xuất bền vững và đảm bảo chuỗi cung cấp có chất lượng theo tiêu chuẩn toàn cầu. Chúng tôi đánh giá cao việc thông qua Chiến lược phát triển xanh của Việt Nam vào năm 2012. Chiến lược này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Các hoạt động của chúng tôi gắn liền trực tiếp đến Chiến lược nàyn. Điều quan trọng là sự phát triển phải được dựa vào việc sử dụng không hoang phí tài nguyên thiên nhiên, một nguồn nhân lực có kỹ năng theo đúng nhu cầu của một thị trường chưa bao giờ đầy thách thức đến như vậy, và một ngành năng lượng với năng lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong tương lai. Cùng chung tay với các tổ chức khác, GIZ hạnh phúc được đóng góp vào việc vượt qua các thách thức này với Chính phủ và nhân dân Việt Nam. |