Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà báo cáo tại phiên họp. |
Nhân dân còn nhiều ý kiến đa chiều, tuy nhiên đa số ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đề nghị giữ quy định về quỹ bình ổn giá, bao gồm cả Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Thông tin trên được Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà báo cáo tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cho ý kiến về Luật Giá (sửa đổi), chiều 5/4.
Thảo luận tại kỳ họp thứ tư, bình ổn giá là một trong các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định về Quỹ bình ổn giá trong Luật song cần quy định theo hướng đó là một trong các biện pháp bình ổn giá, không nên có một điều riêng về quỹ; cần hoàn thiện cơ chế quản lý Quỹ, quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập Quỹ, nguồn hình thành Quỹ, thời hạn hoạt động của Quỹ và giao cho Chính phủ quyết định, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước và Nhân dân.
Có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này tại Dự thảo Luật.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Cơ quan soạn thảo thống nhất xin được giữ quy định về Quỹ bình ổn giá tại Dự thảo Luật (nếu không quy định về quỹ trong Luật, trường hợp phát sinh cần thiết phải thành lập quỹ, sẽ không có căn cứ để triển khai), bà Hà nêu rõ.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, để bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm quản lý, Dự thảo Luật đã quy định rõ: “Chính phủ quy định về việc lập, quản lý, trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; chịu trách nhiệm bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong quản lý, sử dụng quỹ”.
Về Quỹ bình ổn xăng dầu, nhiều ý kiến tán thành duy trì, song một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ. Có ý kiến đề nghị lấy ý kiến Nhân dân về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bà Hà cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Cơ quan soạn thảo cho rằng, trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu.
Vì, Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước; quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài, khi lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng thì việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp.
Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Tại Luật Giá hiện hành và dự thảo Luật đều không quy định về quỹ bình ổn giá xăng dầu và hiện nay quỹ bình ổn giá đang được quy định tại Nghị định. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu, trong trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị trong quản lý, điều hành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả.
Do Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện vẫn được để tại các doanh nghiệp, vì vậy Chính phủ cần nghiên cứu để có phương án quản lý phù hợp hơn, bảo đảm rõ ràng về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.
Đối với đề nghị lấy ý kiến Nhân dân về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Ủy ban thẩm tra nêu rõ, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Cơ quan soạn thảo đã gửi xin ý kiến rộng rãi trên trang điện tử của Bộ Tài chính, trong đó có nội dung xin ý kiến đánh giá về sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá, bao gồm cả Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Ý kiến của Nhân dân còn nhiều ý kiến đa chiều, tuy nhiên đa số ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương (trong đó có Bộ Công thương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam) nhất trí về sự cần thiết của quỹ bình ổn giá và đề nghị giữ quy định về quỹ bình ổn giá, bao gồm cả Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Về bình ổn giá nói chung, Phó chủ nhiệm Hà cho hay, để bảo đảm tính cụ thể, minh bạch, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo bổ sung Phụ lục 1 quy định những mặt hàng bình ổn giá.
Đồng thời tại khoản 3 Điều 17 Dự thảo Luật quy định: “Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, trên cơ sở đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”.
Sáng mai (6/4), Hội nghị sẽ thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi).