Đại diện một số quỹ đầu tư trong Liên minh đầu tư Vietnam Private Capital Agency (VPCA) tại sự kiện thành lập tháng 9/2024 |
Vốn ngoại dẫn dắt
Các quỹ toàn cầu đang định hình danh mục đầu tư cho năm 2025. Đối với thị trường châu Á, các quỹ tìm cách kết hợp nền kinh tế mới và nền kinh tế cũ để bảo vệ các khoản đầu tư trước những thách thức từ chính sách thương mại nhiều bất định của chính quyền Donald Trump trong thời gian tới và xu hướng tăng giá USD.
Public Investment Fund (PIF - Quỹ đầu tư công) của Saudi Arabia, với lượng tài sản khoảng 930 tỷ USD, có kế hoạch tiếp tục cắt giảm tỷ trọng đầu tư quốc tế, khép lại một thời kỳ đầu tư ồ ạt với hàng tỷ USD tiền vốn được rải khắp thế giới.
Sự dịch chuyển diễn ra trong bối cảnh quỹ khổng lồ này tập trung trở lại vào nền kinh tế trong nước, thay vì tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài. Cụ thể, PIF sẽ giảm bớt tỷ trọng vốn đầu tư ở nước ngoài về mức 18-20%, từ mức 21% hiện nay và mức cao 30% vào năm 2020.
Mặc dù vậy, PIF đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt quy mô tài sản 2.000 tỷ USD, nên dòng vốn đầu tư ra nước ngoài buộc phải tăng lên. Song các nhà đầu tư quốc tế có ý định tìm kiếm nguồn vốn từ PIF cũng phải chuyển hướng.
Thay đổi này diễn ra sau một thập kỷ PIF có hàng loạt thương vụ đầu tư khổng lồ ở nước ngoài. Có thể kể đến việc rót 45 tỷ USD vào Vision Fund của Công ty SoftBank (Nhật Bản) vào năm 2016 và 20 tỷ USD vào một quỹ đầu tư hạ tầng của Blackstone (Mỹ) vào năm 2017.
Trong đó, Blackstone là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, với tổng giá trị tài sản quản lý hơn 1.000 tỷ USD. Lãnh đạo quỹ này cũng mong muốn mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Blackstone đã tham gia cuộc đua trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) - một lĩnh vực mà Việt Nam đã có chiến lược để phát triển.
Còn Warburg Pincus, một trong những quỹ đầu tư tư nhân lâu đời nhất và lớn nhất trên toàn cầu cũng đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư lớn thứ ba ở châu Á của Quỹ (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Tại thị trường Việt Nam, Quỹ đầu tư Warburg Pincus đang quan tâm đến hợp tác thu hút dòng vốn tài chính xanh, năng lượng tái tạo…
Trong bối cảnh chung đó, Quỹ đầu tư KKR (Mỹ) nhận định, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện của mình tại đây. Với tổng giá trị tài sản lên tới 528 tỷ USD, KKR đã đầu tư mạnh vào nền kinh tế Việt Nam, với tổng vốn đầu tư vượt 2 tỷ USD. Những khoản đầu tư đáng chú ý của quỹ này vào các tập đoàn lớn tại Việt Nam có thể kể đến như Masan, Vinhomes, Equest, KiotViet, Tập đoàn Y khoa Sài Gòn (MSG).
Ngoài các ông lớn nói trên, dịp cuối năm, nhiều quỹ đầu tư cũng đưa ra các dự kiến, kịch bản, những biến số cho năm sau. Trong khi VinaCapital cho rằng, rất khó để đưa ra dự đoán tương lai, thì SGI Capital coi 2025 là năm hứa hẹn có nhiều biến số mới tác động mạnh lên thị trường. Quỹ này đang rà soát kỹ lưỡng bối cảnh chung, cũng như từng cơ hội riêng để quyết định chiến lược cho chu kỳ đầu tư mới.
Chờ cú hích từ trong nước
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cho rằng, các yếu tố nội tại sẽ quyết định tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025, bởi có nhiều yếu tố có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ được dự báo sẽ chững lại.
Chuyên gia VinaCapital cho rằng, tiêu dùng chiếm hơn 60% nền kinh tế của Việt Nam, nên tiêu dùng tăng trưởng mạnh sẽ dễ dàng bù đắp cho sự suy giảm của tăng trưởng xuất khẩu. Một số giải pháp của Chính phủ cho thấy, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong năm 2025 sẽ đạt khoảng 31 tỷ USD, tăng 15-20% so với năm 2024, để xây dựng 1.000 km đường cao tốc, hoàn thành giai đoạn đầu của sân bay Long Thành, cũng như mở rộng sân bay hiện tại ở TP.HCM và Hà Nội.
Theo ông Michael Kokalari, các biện pháp này sẽ giúp người tiêu dùng tự tin hơn trong việc tăng chi tiêu. Ngoài ra, Quỹ kỳ vọng, Chính phủ sẽ thực hiện những bước đi quan trọng để khôi phục thị trường bất động sản. Khi thị trường bất động sản phục hồi sẽ có tác động đến tâm lý tiêu dùng lớn hơn nhiều so với việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần các biện pháp mạnh mẽ hơn để đạt được mục tiêu thu hút dòng vốn từ các quỹ trên thế giới.
Trong khi đó, SGI Capital cho rằng, giữa bối cảnh lãi suất huy động nhích tăng và dòng tiền đầu tư phải chia sẻ với các kênh khác như bất động sản và tiền số, cơ hội của chứng khoán trong giai đoạn sắp tới phụ thuộc nhiều vào xu hướng của dòng vốn ngoại và những cổ phiếu phân hóa đơn lẻ.
Quỹ cũng đánh giá rằng, tín dụng phụ thuộc vào bất động sản và tín hiệu đáng mừng là thị trường bất động sản đang có nhiều dấu hiệu tích cực.
Gần đây, Quỹ BTS Bernina và nhà đầu tư Terne Holdings rót vốn phát triển Dự án Haus Da Lat trên quỹ đất đắc địa ven hồ Xuân Hương (Đà Lạt), theo các tiêu chí ESG. Hai nhà đầu tư này có tổng tài sản quản lý lên tới hàng tỷ USD. Khẩu vị đầu tư của họ là các doanh nghiệp có câu chuyện riêng biệt tại châu Á và có tốc độ tăng trưởng nhanh, dẫn đầu xu thế mới trong các ngành nghề.
Theo công bố, BTS Bernina là quỹ đầu tư mở, thành lập ngày 11/12/2009, được sở hữu và quản lý bởi các chuyên gia tài chính lớn trên thế giới. Đơn vị này dành 60% nguồn lực của quỹ để đầu tư vào châu Á. Trong 3 năm qua, hiệu suất của quỹ đạt 71,9%, cho thấy, hoạt động đầu tư của BTS Bernina đang cho kết quả tốt.
Hội đồng Quản trị của Quỹ gồm đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính quốc tế và quản lý đầu tư. Quỹ có chuyên môn trong điều hướng thị trường toàn cầu, giám sát chiến lược đầu tư. Ngoài ra, đơn vị cũng có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản và thị trường mới nổi. Đại diện BTS Bernina cho biết, đầu tư vào Dự án Haus Da Lat là cam kết đối với các tài sản chất lượng cao, đa dạng tại các thị trường tăng trưởng nhanh.
Trong khi đó, Terne Holdings là doanh nghiệp đầu tư đa ngành của Singapore. Các lĩnh vực cốt lõi của Terne Holdings là tư vấn đầu tư bất động sản, hợp tác thương mại, tư vấn thương hiệu, thiết kế...
Liên minh đầu tư “mạo hiểm” vào start-up
Đáng chú ý là, gần đây, các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đã chung tay lập Quỹ đầu tư Alpha Intelligence Venture Capital (AIVC) với quy mô khá lớn và nhanh chóng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về AI ở châu Á. Trong đó, SoftBank, SK Networks (thuộc Tập đoàn SK), LG Electronics, Hanwha Financial và một tập đoàn của Thái Lan đã ký một thỏa thuận tham gia quỹ trị giá 130 triệu USD do những người sáng lập Hãng đầu tư mạo hiểm The Edgeof thành lập.
Dù quy mô vốn ban đầu khá khiêm tốn, nhưng quỹ này sẽ hướng đến mục tiêu hoạt động như một nền tảng kết nối giữa các công ty lớn và các công ty khởi nghiệp AI, theo mô hình đầu tư hoặc sáp nhập. Quỹ đang đàm phán với các công ty khác ở Đông Á và Đông Nam Á để có thể nâng mức vốn lên 200 triệu USD. Động thái này diễn ra khi các quỹ đầu tư mạo hiểm đang phải vật lộn để bắt kịp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của các start-up sử dụng GenAI (AI tạo sinh). Alpha Intelligence cũng nhắm đến các start-up ở Silicon Valley (Mỹ), nhưng sẽ tập trung đầu tư vào công ty có kế hoạch kinh doanh ở châu Á.
Mô hình “bắt tay” thành lập liên minh cũng nhanh chóng lan sang Việt Nam. Hiện tại, các bên liên quan cũng chờ đợi “cú hích” từ liên minh đầu tư có tên là Vietnam Private Capital Agency (VPCA). Liên minh được thành lập bởi các đối tác từ các quỹ đầu tư tư nhân trong khu vực châu Á, gồm Golden Gate Ventures, Do Ventures và Monk's Hill Ventures.
Trong thập kỷ tới, VPCA đặt mục tiêu thu hút tới 35 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, y tế. VPCA dự kiến mở rộng số lượng thành viên lên 100 cá nhân vào cuối năm 2025, so với hơn 40 thành viên hiện tại. Các quỹ đang tham gia liên minh bao gồm Vertex Ventures, Ascend Vietnam Ventures và Mekong Capital.
Nhiều nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam, đặc biệt khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang khiến các doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới để mở rộng hoạt động. Trong đó, khu vực Đông Nam Á cho thấy sức hấp dẫn riêng. Theo họ, xu hướng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc đang mang lại lợi ích cho các nước Đông Nam Á. Tại đây, Indonesia là một thị trường nổi bật nhờ nền kinh tế nội địa mạnh mẽ, lĩnh vực hàng hóa cơ bản phát triển mạnh mẽ và ngân hàng trung ương tập trung vào ổn định tỷ giá đồng tiền.
Bà Wenting Shen, chiến lược gia giải pháp đa tài sản và quản lý danh mục đầu tư tại Công ty T. Rowe Price tin rằng, Việt Nam sẽ củng cố vị thế của mình như một cường quốc xuất khẩu trong tương lai. Theo bà, khả năng Việt Nam được đưa vào danh sách thị trường mới nổi của FTSE trong thời gian tới có thể cải thiện triển vọng ngắn hạn của thị trường này.