Tài chính - Chứng khoán
Quỹ đầu tư chính phủ - động lực thúc đẩy nền kinh tế
Anh Việt - 27/10/2020 07:02
Khi thương mại, đầu tư toàn cầu biến động, các nền kinh tế đều cần trụ cột để giữ vững sự chủ động, thúc đẩy tăng trưởng, trong đó quỹ đầu tư chính phủ đang chứng minh tính ưu việt.
Số lượng và quy mô tài sản của các quỹ đầu tư chính phủ trên thế giới có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây.

Mô hình quỹ đầu tư chính phủ

Trên thế giới, quỹ đầu tư chính phủ là “các quỹ đầu tư hoặc tổ chức đầu tư với mục đích đặc biệt thuộc sở hữu của chính phủ; được thành lập bởi chính phủ, các quỹ đầu tư chính phủ nắm giữ, quản lý và khai thác các tài sản nhằm đạt được các mục tiêu tài chính thông qua một tập hợp các chiến lược đầu tư, bao gồm cả đầu tư vào các tài sản tài chính ở nước ngoài”.

Những năm gần đây, dù thế giới chứng kiến sự thành công của xu hướng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), song thực tế ít được biết đến là giá trị tài sản do chính phủ các nước mua vào từ việc mua cổ phiếu lớn hơn so với số tiền thu được từ cổ phần hóa DNNN. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2001-2012, giá trị tài sản do chính phủ các nước mua vào cổ phiếu là 1.520 tỷ USD, trong khi số tiền thu được từ cổ phần hóa DNNN là 1.480 tỷ USD. Phần lớn khoản đầu tư này được chuyển qua các quỹ đầu tư chính phủ và chủ yếu là các giao dịch mua cổ phiếu xuyên biên giới.

Xu thế đó khiến số lượng và quy mô tài sản của các quỹ đầu tư chính phủ trên thế giới có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Tính đến năm 2019, đã có trên 120 quỹ đầu tư chính phủ trên toàn cầu, trong đó 89 quỹ đầu tư chính phủ lớn nhất thế giới đang quản lý số tài sản lên đến 8.400 tỷ USD. Đáng chú ý phải kể đến Quỹ Hưu trí Chính phủ Na Uy (1.186 tỷ USD), Công ty Đầu tư Trung Quốc (940 tỷ USD), Quỹ đầu tư Kuwait (592 tỷ USD), Temasek (375 tỷ USD)…

Hoạt động của các quỹ đầu tư này trong thời gian đầu sẽ tập trung trước hết và chủ yếu vào thị trường trong nước, trước khi từng bước mở rộng ra các thị trường quốc tế, trên cơ sở tích lũy các nguồn lực và kinh nghiệm đầu tư.

Định hướng đối với Việt Nam

Tại Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lâu nay được biết đến với vai trò là nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động năm 2006 đến nay, SCIC đã giải ngân đầu tư gần 28.500 tỷ đồng. SCIC đã bảo toàn và phát triển vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư đạt khá cao so với các tổng công ty, tập đoàn nhà nước. Tỷ suất lợi nhuận trên toàn danh mục đầu tư trong giai đoạn 2006 - 2019 đạt 13%.

Việc phát triển SCIC theo mô hình quỹ đầu tư chính phủ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư, tối ưu hóa các nguồn lực của đất nước, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế ngày càng hiệu quả.

Định hướng của Đảng trong việc củng cố nền tài chính quốc gia được nêu rõ tại Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 trình Đại hội Đảng XIII (Phần thứ hai trong Tóm tắt Dự thảo báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030). Cụ thể như sau: “Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ lệ thu nội địa, tăng tích lũy từ ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển; tăng sức chống chịu, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia”.

Về vai trò của DNNN, Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 nhấn mạnh: “Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế”.

Trong bối cảnh đó, việc phát triển SCIC theo hướng trở thành quỹ đầu tư chính phủ ngang tầm khu vực và thế giới không chỉ phù hợp với định hướng của Đảng về củng cố, phát triển các DNNN quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, mà còn là giải pháp thiết thực trong việc tăng cường quy mô và chất lượng danh mục tài sản của Nhà nước do SCIC đại diện chủ sở hữu, qua đó bổ sung nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần tăng sức chống chịu, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia.

Tại các cuộc làm việc gần đây, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo: “Hoạt động đầu tư của SCIC cần phải có chiến lược phát triển đúng hướng, huy động được nhiều nguồn lực theo cơ chế thị trường để góp phần cùng các tập đoàn, tổng công ty tạo nên sức mạnh của kinh tế nhà nước, tạo nguồn lực lớn để phát triển kinh tế, xã hội. SCIC phải xác định rõ hơn mục tiêu chiến lược trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ, tăng quy mô để đáp ứng nhu cầu”.

Thực hiện chỉ đạo này, SCIC đang khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ sớm ban hành Chiến lược Phát triển giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, không chỉ trở thành “nhà đầu tư của Chính phủ”, SCIC còn hướng tới trở thành quỹ đầu tư chính phủ trong tương lai.

Tin liên quan
Tin khác