Doanh nghiệp
Quỹ đầu tư mạo hiểm chịu chơi hơn
Anh Hoa - 21/07/2014 08:27
Chấp nhận phiêu lưu, các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam sẵn sàng bung tiền cho các công ty mục tiêu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản: Liều ăn nhiều!
Nhiều quỹ đầu tư tìm cơ hội ở công nghệ số
Mạo hiểm khi vay tiền đi mua doanh nghiệp
Cuộc chơi đầu tư mạo hiểm
Cẩm nang cho nhà đầu tư mạo hiểm

Hút vốn nhờ lợi thế đặc thù

Lọt vào Top 9 công ty khởi nghiệp (start-up) về nội dung số đáng được đầu tư nhất Đông Nam Á, Công ty cổ phần Appota giờ đã qua vòng gọi vốn thứ hai, được định giá lên tới vài chục triệu USD và đang là cái tên “nóng” được giới đầu tư săn lùng.

Tuy nhiên, sau nhiều lần chọn lựa, đàm phán, tìm hiểu, Appota đã được 1 quỹ của Singapore và 1 quỹ của Nhật Bản rót vốn.

   
  IDG Ventures Vietnam đang đầu tư vào 40 công ty tại Việt Nam.  Ảnh: Đức Thanh  

Không tiết lộ cụ thể về giá trị cũng như danh tính hai quỹ đầu tư này, nhưng ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc

Appota khẳng định, ngoài vốn đầu tư, họ sẽ mang lại nhiều giá trị quan trọng hơn, như mạng lưới quan hệ, tư vấn chiến lược dài hạn. Theo ông Đỗ Tuấn Anh, hiện có trên 5 quỹ đang chính thức hoạt động tại Việt Nam và một số quỹ không có trụ sở, nhưng vẫn quan tâm tới thị trường.

Quỹ tiên phong và lâu đời nhất tại Việt Nam là IDG Ventures Vietnam (IDGVV). Quỹ này đã đầu tư vào rất nhiều công ty trong giai đoạn đầu của làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam cách đây 10 năm và không ít trong số đó đã trở thành doanh nghiệp lớn, như Công ty cổ phần VNG, Công ty VC Corp, Công ty cổ phần Vật giá (vatgia.com)…

Khi đó, các quỹ không dễ tiếp cận doanh nghiệp vì chưa có các vườn ươm (incubator) hay các chương trình huấn luyện khởi nghiệp. Ngày nay, việc tiếp cận doanh nghiệp khởi nghiệp “mới nổi” dễ dàng hơn rất nhiều, bởi sự xuất hiện các vườn ươm và khóa khởi nghiệp, cũng như mạng lưới kết nối lớn mạnh và mở hơn trước.

Ngoại trừ khu vực Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), Việt Nam có điều kiện phát triển lĩnh vực Internet và mobile thuận lợi hơn khá nhiều so với các nước ASEAN và châu Á nói chung, nhờ vào một thị trường đông dân số trẻ, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ mới.

Bên cạnh đó, tuy có sự phân chia tương đối giữa khu vực thành thị và nông thôn, song với quá trình đô thị hóa, khoảng cách số giữa các vùng miền tại Việt Nam được đánh giá là được thu hẹp đặc biệt nhanh trong khu vực.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch, Quỹ đầu tư mạo hiểm IDGVV nhận định, các nhà đầu tư quốc tế công nhận những điểm trên là lợi thế đặc thù của Việt Nam. Nhờ đặc điểm quốc gia, thị trường và sự nhanh nhạy của các doanh nhân trẻ, làn sóng start-up của Việt Nam phát triển phong phú hơn rất nhiều nước trong khu vực, với sản phẩm dịch vụ đa dạng và đã có nhiều công ty vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, so với các nước phát triển hơn trong khối châu Á, start-up ở Việt Nam bị hạn chế hơn về nguồn tiếp cận vốn. Lý do là, các nước khác trong khu vực phát triển đồng đều về nhiều lĩnh vực kinh tế hơn, nên các nguồn vốn tài chính quốc tế cũng sẵn sàng hơn so với Việt Nam.

Song ông Trường tự tin cho rằng, làn sóng mở rộng đầu tư vào ASEAN, đặc biệt từ Nhật Bản và Hàn Quốc, đang là một xu hướng thuận lợi cho việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Internet và mobile ở Việt Nam.

Sẵn sàng bung tiền

Hiện tại, IDGVV đầu tư vào 40 công ty, trong các lĩnh vực dịch vụ trực tuyến và mobile, công nghệ, truyền thông, giải trí và giáo dục. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của người dùng Internet và mobile, cùng sự bắt kịp nhanh chóng các dịch vụ trên nền Internet và mobile của khối doanh nghiệp, nên các công ty được đầu tư trong 2 năm qua đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 30%/năm.

Xu hướng tăng trưởng này sẽ tiếp tục diễn ra trong từng thị trường ngách. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nội dung số và giải trí điện tử, sự tăng trưởng mạnh của người dùng Internet, đặc biệt là mobile và điện thoại thông minh, sẽ giúp các công ty thành viên mở rộng thị trường sang lĩnh vực mobile và cung cấp rất nhiều dịch vụ mới cho người dùng.

Hay sự bắt kịp nhanh chóng của khối doanh nghiệp sang sử dụng các dịch vụ trên nền Internet và mobile đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hai lĩnh vực điển hình là quảng cáo trực tuyến và thương mại điện tử.

Đó là căn cứ để IDGVV sẽ có những hỗ trợ chiến lược trong việc đẩy mạnh mở rộng thị phần (bao gồm cả mở rộng thị trường thông qua sáp nhập và hợp nhất), nhanh chóng làm chủ làn sóng mobile đang diễn ra, tìm kiếm các đối tác chiến lược nước ngoài mới và mở rộng hoạt động ra quy mô khu vực đối với các công ty Internet hàng đầu của Việt Nam.

“Với mức độ phát triển mạnh và ổn định của các lĩnh vực dịch vụ Internet và mobile như hiện nay, tiêu chí đầu tư của IDG sẽ cao hơn, nhưng IDG sẽ tiếp tục rót vốn cho những công ty có tiềm năng phát triển cao”, ông Nguyễn Hồng Trường nói.

Trên thị trường đầu tư mạo hiểm Việt Nam, IDGVV được giới đầu tư và các công ty khởi nghiệp đánh giá là người chịu chơi, với độ chấp nhận mạo hiểm cao nhất, vì họ sẵn sàng bung tiền cho các công ty mục tiêu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, quỹ này hầu như không công bố danh mục đầu tư mới.

Ông Trường lý giải, trong thời kỳ mới vào thị trường Việt Nam, IDGVV thực hiện việc công bố các khoản đầu tư, nhưng khi thị trường đã bắt đầu đi vào ổn định như mấy năm qua, thì IDGVV không công bố nữa, trừ khi các công ty được đầu tư đề nghị.

Ông Trường phân tích thêm, trong lĩnh vực đầu tư, việc đầu tư vòng đầu tiên (Series A) của các quỹ, như IDGVV, ít khi được công bố. Khi các công ty Internet phát triển thành công và thực hiện những thương vụ đầu tư lớn hơn (như các vòng đầu tư thứ 3 Series C, thứ 4 Series D, hay chuẩn bị IPO), họ mới công bố các nhà đầu tư của mình.

Trong khi đó, ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành Quỹ DFJV (VinaCapital) cho biết, dù hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007, nhưng Quỹ DFJV mới đầu tư vào 10 công ty. Trong khi đó, năm 2013, DFJV thoái toàn bộ phần vốn tại Công ty cổ phần VON (sở hữu KiemViec.com và HR Vietnam).

Ông Phúc cho biết, so với trước đây, khi các công ty khởi nghiệp mọc lên như nấm sau mưa và các quỹ đầu tư cũng giảm bớt được rủi ro vì có các tổ chức hỗ trợ đến khi công ty đó đủ lông, đủ cánh trước khi quỹ đầu tư nhảy vào, thì nay, các quỹ lại phải cạnh tranh với cả nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, không nhiều công ty có thể đem lại khả năng sinh lời tốt cho nhà đầu tư, nên quỹ còn băn khoăn.

Hơn nữa, ông Phúc thừa nhận, trong mấy năm qua, việc huy động vốn cho quỹ không dễ, dù nhà đầu tư Mỹ, châu Âu, châu Á bắt đầu có xu hướng muốn bỏ tiền vào thị trường Việt Nam.

Hiện tại, DFJV chủ yếu hỗ trợ các công ty còn nằm trong danh mục đầu tư chưa thoái vốn, có tốc độ tăng trưởng cao, với mục tiêu khi thoái vốn sẽ thu lời gấp 3 lần số tiền quỹ bỏ vào ban đầu.

Trong tương lai gần, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong nông nghiệp, chuỗi cung ứng trong công nghiệp phụ trợ, thương mại điện tử, giải trí, quảng cáo và truyền thông sẽ tiếp tục đứng đầu danh mục ưu tiên rót vốn của các quỹ.

“Trong năm nay, DFJV sẽ đầu tư vào một công ty trong lĩnh vực công nghệ để phát triển nông nghiệp, hoặc có thể là một công ty giải trí”, ông Phúc chia sẻ.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm luôn muốn đẩy nhanh chu trình đầu tư để thu lợi nhuận. Vậy liệu “đồng hồ sinh học” của họ có tương thích với tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp, hay start-up mới nổi bị ép “chín non”?

Theo tìm hiểu, hầu hết công ty khi nhận được vốn đầu tư từ các quỹ đều được đưa vào quỹ đạo và được hỗ trợ tốt nhất để đạt tốc độ tăng trưởng mong muốn của cả hai bên. Bản thân các doanh nghiệp start-up cũng thừa nhận, họ khó tồn tại một mình và đối đầu với những tập đoàn quốc tế lớn.

Đến một lúc nào đó, tự họ cũng phải tìm cách bán lại hoặc sáp nhập vào các tập đoàn lớn trong và ngoài nước để cùng phát triển. Trong khi đó, các quỹ đầu tư sẽ không không bán bất kỳ khoản đầu tư nào khi nó chưa chín muồi và chưa có yếu tố thuận lợi trong lộ trình phát triển của công ty trong tương lai.

Tin liên quan
Tin khác