Ngày 20/8, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo chuyên đề về quy hoạch ngành giao thông vận tải TP.HCM để đánh giá lại quy hoạch đang thực hiện và chuẩn bị cho việc điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020 |
Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, quy hoạch phát triển giao thông vận tải của Thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, điều chỉnh năm 2013. Đến nay, tình hình thực hiện các công trình giao thông kết nối vùng theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 còn chậm, chưa đồng bộ với quy mô dân số và tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Việc chậm xây dựng hạ tầng giao thông là điểm nghẽn trong sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của TP.HCM mà của cả vùng.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, quan điểm của Thành phố là giao thông luôn đi trước để mở đường dẫn dắt phát triển kinh tế xã hội không chỉ của Thành phố mà cho cả vùng Đông Nam Bộ.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM thừa nhận, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các công trình giao thông vì cần số vốn rất lớn, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến nhiều người dân. Nếu chỉ dựa vào ngân sách Thành phố hay Trung ương thì các dự án phải rất lâu nữa mới hoàn thành.
“Giao thông của thành phố không chỉ nằm trong địa giới TPHCM mà phải kết nối với các tỉnh, vùng lân cận, rộng hơn nữa là kết nối với quốc tế. Do đó những định hướng, những điểm mới cho quy hoạch sắp tới cần được nhìn nhận trong mối liên kết lớn hơn” Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Từ thực trạng bất cập hiện nay, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn được lắng nghe gợi ý của các chuyên gia về các mô hình đầu tư với tư duy là làm kinh tế giao thông chứ không đơn thuần là dự án giao thông. Việc đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ là vấn đề kinh tế đất đai mà cần giải quyết hài hòa quyền lợi của người dân, nhà đầu tư, nhà nước để đẩy nhanh được các dự án giao thông.
Đánh giá về thực trạng quy hoạch giao thông của TP.HCM hiện nay, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường đại học Việt Đức cho rằng, TP.HCM chưa có quy hoạch và thiết kế đô thị phù hợp với định hướng giao thông công cộng nhanh sức chở lớn (mô hình TOD). Tại TP.HCM, quy hoạch dân số trong phạm vi bán kính 500m, khoảng cách đi bộ từ các nhà ga đường sắt đô thị là rất thấp so với chuẩn quốc tế.
Ông Tuấn cho rằng, mô hình đầu tư hợp tác công - tư (PPP) phát triển đô thị gắn với nhà ga đường sắt đô thị (TOD) sẽ là chìa khóa để giải bài toán về vốn cho đầu tư hạ tầng. Vị chuyên gia này cho rằng TP.HCM có thể triển khai mô hình TOD theo hướng phát triển đô thị mật độ cao, chức năng hỗn hợp tại các tiểu trung tâm, là các nhà ga đường sắt đô thị chính và các ga đầu mối giao thông liên vùng.
Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị, định hướng quy hoạch giao thông vận tải thời gian tới cần được nghiên cứu dựa trên tiềm năng, lợi thế của TP.HCM trong mối quan hệ kết nối với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và cả nước, quốc tế để phát triển đồng bộ, hiệu quả.
Ông Tuấn, đề nghị UBND TP.HCM cập nhật các định hướng quy hoạch kết nối đồng bộ giữa các phương thức, loại hình vận tải để thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng nói chung và cho Thành phố nói riêng.