Do gần gũi về địa lý vầ có nhiều nét tương đồng về xã hội, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá qua chợ được hình thành lâu đời. |
Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Bộ Tài chính xin ý kiến thẩm định đề cương và dự toán kinh phí Quy hoạch phát triển chợ biên giới Việt Nam - Trung Quốc năm 2025, tầm nhìn tới năm 2030.
Việt Nam có chung đường biên giới đất liền với Trung Quốc dài khoảng 1.450 km, trải dài từ Đông sang Tây qua 7 tỉnh, bao gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên. Phía bên Trung Quốc là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tỉnh Vân Nam.
Tính đến hết năm 2015, tuyến biên giới Việt - Trung có 79 cửa khẩu, lối mở biên giới phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá, xuất nhập cảnh và phương tiện giao thông vận tải của thương nhân và cư dân biên giới.
Gắn với cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc là các cặp chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Do gần gũi về địa lý vầ có nhiều nét tương đồng về xã hội, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá qua chợ được hình thành lâu đời. Tuy vậy, còn nhiều tồn tại như công tác quản lý còn nhiều bất cập, khối lượng hàng hoá tăng nhưng chưa mạnh và ổn định, cơ cấu hàng hoá còn nhiều bất cập…
Đây cũng là những căn cứ để ngày 28/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó quy định, phía Việt Nam sẽ phối hợp với phía Trung Quốc rà soát toàn bộ các khu chợ biên giới trên toàn tuyến. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý Vệt Nam phải xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển các khu chợ biên giới Việt - Trung, đẩy mạnh tìm kiếm, thu hút các nguồn vốn đầu tư khu chợ biên giới….
Theo Bộ Công Thương, quy hoạch phát triển chợ biên giới sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chợ biên giới Việt Nam - Trung Quốc và làm cơ sở để các tỉnh biên giới xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển theo từng thời kỳ.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường Việt Nam nhập siêu cao nhất với 28 tỷ USD trong năm 2016 mặc dù tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ thị trường này giảm thấp nhất trong nhiều năm.
Báo cáo tổng kết về tình hình phát triển thương mại năm 2016 và định hướng năm 2017 của Bộ Công Thương, cho thấy năm qua tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,8 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 31,7 tỷ USD; Nhật Bản đạt gần 15 tỷ USD; EU đạt 11,1 tỷ USD; Mỹ đạt 8,7 tỷ USD; ASEAN đạt 23,7 tỷ USD.
Như vậy, về cán cân thương mại, năm 2016, Việt Nam xuất siêu 2,68 tỷ USD, chiếm 1,52% kim ngạch xuất khẩu. Trung Quốc tiếp tục là thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất, với 28 tỷ USD trong năm 2016, giảm 14,9% so với năm 2015.