Theo Dự thảo Quy hoạch, đến năm 2025, Yên Bái phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc |
“Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”
Đó là thông điệp được ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cũng như đơn vị tư vấn lập quy hoạch nhấn mạnh nhiều lần, khi nói về triết lý phát triển trong xây dựng dự thảo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mặc dù trong giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng kinh tế đạt 6,12%, tương đương mức trung bình của cả nước, nhưng Yên Bái đang gặp phải những điểm nghẽn, cản trở cơ hội phát triển bứt phá, như kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu nhân lực chất lượng cao, ảnh hưởng thường xuyên do thiên tai và hiệu quả khai thác chưa tương xứng với tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên.
Do đó, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những công cụ quan trọng để huy động mọi nguồn lực, lợi thế đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phát triển hạ tầng trên toàn tỉnh; là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm, 10 năm và hàng năm của địa phương theo từng cấp độ quản lý.
Theo Dự thảo Quy hoạch, đến năm 2025, Yên Bái phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2030, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2050, là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá của cả nước, đạt được mục tiêu phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.
Các trụ cột tăng trưởng gồm công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; kinh tế dịch vụ và khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Dự thảo Quy hoạch đưa ra 3 kịch bản phát triển, trong đó, tỉnh lựa chọn kịch bản phát triển với tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2025 là 7,5%, giai đoạn 2026 - 2030 là 9,5%/năm.
Để đạt được kịch bản phát triển đó, Dự thảo Quy hoạch đưa ra các khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng tỉnh Yên Bái gồm: 2 trung tâm động lực tăng trưởng (TP. Yên Bái và phụ cận; thị xã Nghĩa Lộ và phụ cận); 3 vùng kinh tế (trung tâm, phía Tây, phía Đông); 4 trụ cột tăng trưởng; 6 trục liên kết động lực; 12 ý tưởng đột phá.
Trong đó, công nghiệp tập trung vào phương thức sản xuất bền vững, có giá trị cao hơn trong chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng; du lịch với trải nghiệm phong phú về văn hóa và các dịch vụ gắn với cảnh quan thiên nhiên, di sản, danh lam thắng cảnh quốc gia; kinh tế dịch vụ, được hỗ trợ bởi các trụ cột du lịch và công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp hữu cơ và chất lượng cao, được hỗ trợ bởi các phương pháp canh tác hiện đại, công nghệ và đầu vào cao cấp.
Để hiện thực hóa Quy hoạch, Yên Bái dự kiến huy động vốn đầu tư phát triển cho kỳ quy hoạch là 275.000 tỷ đồng; tập trung ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, khu/cụm công nghiệp và 4 cụm ngành quan trọng - trụ cột tăng trưởng. Đặc biệt, tỉnh đã có kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc theo từng năm; khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.
Cần chú trọng nông nghiệp, nông thôn, nông dân
Đánh giá cao Dự thảo Quy hoạch của Yên Bái, nhưng các chuyên gia cho rằng, tỉnh cần đánh giá lại mô hình phát triển phù hợp với cách thức huy động nguồn lực để xây dựng và phát triển quy hoạch tỉnh; làm rõ các phương châm phát triển trong các giai đoạn 2025, 2030 và 2050; đánh giá hiện trạng các ngành, lĩnh vực phát triển và các điểm nghẽn, vướng mắc, tồn tại để kịp thời có các biện pháp thích hợp trong tương lai; bố trí không gian phát triển kinh tế - xã hội trên bản đồ quy hoạch tỉnh.
TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, cần phân tích sâu sắc vấn đề chênh lệch giàu nghèo, bởi hiện nay, trong khi các tỉnh lân cận chênh lệch khoảng 7-8 lần, thì Yên Bái chênh lệch gần 10 lần. “Như vậy, bất bình đẳng rất lớn. Trong khi đó, Yên Bái đặt ra mục tiêu hài hòa chỉ số hạnh phúc…, thì rất khó đạt được”, ông Sinh phân tích.
Về điểm nghẽn, TS. Cao Viết Sinh cho rằng, điểm nghẽn rõ nhất là xuất phát điểm thấp, không hấp dẫn về môi trường đầu tư. Vấn đề này cần được nghiên cứu và phân tích rõ trong bản quy hoạch.
Lưu ý rằng nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh - quốc phòng của Yên Bái, ông Nguyễn Văn Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đề nghị, trong Báo cáo Quy hoạch tỉnh, phải có một chương về định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
“Nông nghiệp Yên Bái cần phát triển đồng thời nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Để phát triển nông nghiệp sinh thái trong quy hoạch nông nghiệp, tỉnh cần xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái của tỉnh gồm các vùng chuyên canh, vùng chăn nuôi tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản với quy mô hợp lý gắn với công nghiệp bảo quản chế biến và thị trường tiêu thụ”, ông Chinh nói.