Đầu tư Phát triển bền vững
Quỹ khuyến nông Hà Nội: “Bệ phóng” của nông dân và cơ giới hóa nông nghiệp
Hạnh Nguyên - 24/10/2022 05:20
Hà Nội là địa phương duy nhất trên cả nước có quỹ khuyến nông. 20 năm qua, “đặc sản” này đã tạo “bệ phóng” cho hàng ngàn nông dân và thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp.

Đã giải ngân cho trên 4.000 lượt hộ vay vốn

Thành lập từ năm 2002, hoạt động với nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận, 20 năm qua, Quỹ Khuyến nông Hà Nội là một kênh tài chính ưu đãi giúp hàng ngàn hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã… được vay vốn phát triển sản xuất. 

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, với nguyên tắc hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, 20 năm nay, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã giải ngân cho trên 4.000 lượt hộ vay vốn, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn sản xuất của các chủ trang trại, hộ sản xuất. 

Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động nông thôn có thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu của Quỹ Khuyến nông Hà Nội là tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn Thủ đô theo hướng hiện đại và bền vững.

Trải qua 20 năm, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào việc khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề; thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, nhân rộng các mô hình khuyến nông thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: Vùng hoa, cây cảnh Tây Tựu, Đông Ngạc, Đại Mỗ (Từ Liêm), Đông La (Hoài Đức), Hồng Vân (Thường Tín); Vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ; Vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Mỹ Đức, Chương Mỹ…

Hiện Quỹ Khuyến nông Hà Nội thường dành 15 - 20% tổng nguồn vốn giải ngân trong năm để ưu tiên hỗ trợ cho vay những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch của địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, năm 2022, kế hoạch giải ngân Quỹ Khuyến nông Hà Nội là 100,76 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho vay phát triển sản xuất là hơn 69,1 tỷ đồng, giải ngân cho vay đầu tư phát triển cơ giới hóa là hơn 31,6 tỷ đồng. 

Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung làm tốt công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất việc quản lý, sử dụng vốn của các hộ vay vốn, đảm bảo an toàn, đúng mục đích. Hà Nội cũng đã kiện toàn Hội đồng thẩm định cấp thành phố; hoàn thiện kế hoạch hoạt động cho vay và dự toán thu - chi hoạt động Quỹ Khuyến nông trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động Quỹ Khuyến nông; xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên hoạt động Quỹ Khuyến nông của các quận, huyện…

Nhờ các phương án vay vốn linh hoạt, Quỹ KNHN ngày càng khẳng định vai trò là địa chỉ tin cậy của bà con nông dân trên địa bàn quận, huyện Hà Nội. 

Đơn cử, năm 2021, nhờ được vay vốn từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội, gia đình ông Đỗ Hữu Dự, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội có kinh phí để mua thức ăn, chăm sóc đàn gà vượt qua đại dịch Covid-19. Hiện, trang trại 2.400m2 của gia đình ông đang nuôi 8.000 con gà đẻ trứng, trừ các khoản chi phí, ông Dự thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng/tháng.

Được vay vốn 500 triệu đồng từ Quỹ khuyến nông Hà Nội, gia đình ông Nguyễn Huy Lưỡng xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội đã đầu tư cải tạo vườn tạp, mua phân bón và mở rộng quy mô trồng hơn 300 gốc bưởi Diễn. Đồng thời, ông còn đầu tư chuồng trại nuôi 6.000 con gà đẻ trứng. 

“Với mức phí quản lý chỉ 0,5%/tháng, chu kỳ vay tới 24 tháng, gia đình ông có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô trang trại, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng”, ông Lưỡng chia sẻ.

Trong khi đó, ông Phùng Văn Phượng ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội cho biết, năm 2021, gia đình ông được vay 500 triệu đồng để đầu tư trang trại gà đẻ siêu trứng có quy mô chăn nuôi trên 10.000 con/lứa, mỗi ngày xuất bán khoảng 9.000 trứng, lợi nhuận đạt 500 triệu đồng/năm.

Tại xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội, giai đoạn từ năm 2009 đến nay, Quỹ khuyến nông Hà Nội đã giải ngân cho gần 180 lượt hộ vay trên địa bàn xã Liên Châu với số tiền khoảng 60 tỷ đồng. Đây được đánh là nguồn vốn mang lại hiệu quả kép cho các gia đình khi vừa hỗ trợ họ về vốn để sản xuất, kinh doanh, vừa giúp họ tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới và tư vấn về thị trường để tiêu thụ nông sản. 

Đồng thời Quỹ Khuyến nông Hà Nội còn giúp thúc đẩy việc chuyển đổi từ kinh tế hộ lên thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để có thể dễ dàng kết nối các doanh nghiệp, bao tiêu đầu ra vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn nhỏ.

Đánh giá hiệu quả cho vay vốn của Quỹ khuyến nông Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cấn Hữu Nguyễn Quang Khải khẳng định: Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã giúp người nông dân, chủ trang trại, các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thêm cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cán bộ nông nghiệp Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn nhiệt thành tư vấn chuyên môn cho nhiều nông dân, chủ trang trại trên địa bàn xã Cấn Hữu, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Tạo “bệ phóng” cho cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

Không chỉ tạo “bệ phóng” cho hàng ngàn nông dân Thủ đô phát triển kinh tế, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã trở thành nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, qua đó tạo đột phá trong cơ giới hóa nông nghiệp Thủ đô.

Đơn cử, nhờ có vốn từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội, nhiều xã trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã có tới hơn 90% diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch. Đặc biệt, huyện Phú Xuyên đã có hơn 1.000ha lúa sử dụng phương thức mạ khay, cấy máy.

Tại huyện Quốc Oai, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai thực nghiệm cấy lúa bằng mạ khay và đã nhân rộng tới 14 xã, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.

Nhờ được vay vốn Quỹ Khuyến nông Hà Nội, gia đình ông Phan Viết Vinh, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội đã mua được máy làm đất công suất nhỏ. Nhờ vậy, công việc làm đất cho trang trại trồng bưởi và ổi rộng chừng 3 mẫu của gia đình ông Vinh trước đây phải mất từ 30 - 35 ngày công lao động thì nay chỉ cần từ 3 - 4 ngày, tiết kiệm 3 - 4 triệu đồng chi phí.

Lợi ích từ Quỹ khuyến nông Hà Nội trong việc thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn vẫn cần phải thay đổi. 

Như chia sẻ của Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thanh Oai Nguyễn Văn Khiêm: “Về vốn cho vay cơ giới hóa đồng bộ của Thành phố đã giải ngân hết cả năm nhưng nhiều hộ trên địa bàn vẫn có nhu cầu mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, không tiếp cận được họ đành phải chuyển sang vay ngân hàng”. 

“Hiện Quỹ Khuyến nông Hà Nội mới cho vay tối đa 500 triệu, hơi thấp, nếu như được cho vay lên đến 1 tỷđồng, thời gian cho vay lâu hơn thì hiệu quả đem lại cho nông dân còn cao hơn nữa”, ông Khiêm mong mỏi.

Hiện nay, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô chưa đồng bộ, quy mô nhỏ lẻ. Hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng và mức độ tích tụ ruộng đất còn nhiều hạn chế nên chưa thể đưa máy móc lớn, hiện đại vào đồng ruộng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện toàn Thành phố có 5.676 máy làm đất, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 877 máy gặt đập liên hợp... Khâu làm đất được cơ giới hóa với 100% diện tích đất nông nghiệp và diện tích lúa được thu hoạch bằng máy đạt 90%.

Để thúc đẩy phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Thành phố Hà Nội sẽ tạo nguồn kinh phí gần 1.800 tỷ đồng cho mục tiêu đến năm 2025 những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung của Thủ đô cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ.

Mục tiêu mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đối với các cây chủ lực sẽ đạt 15 - 98%; các ngành hàng nông sản được cơ giới hóa đồng bộ gắn với vùng nguyên liệu tập trung. Cụ thể, khâu làm đất là 98%, gieo cấy 15%, chăm sóc 60%, thu hoạch (lúa) 95%...

Với cơ chế hỗ trợ mới này, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ được xem xét hỗ trợ 100% phí quản lý (vay vốn của Quỹ Khuyến nông Thành phố), 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Thành phốHà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn với thời hạn vay tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 100% giá trị sản phẩm.

Tin liên quan
Tin khác