Central Retail dẫn đầu nhóm DN bán lẻ uy tín 2023. |
Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023.
Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023 được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông và Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 8/2023.
Ở nhóm siêu thị, tổng hợp, đại gia bán lẻ Thái Lan Central Retail tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng uy tín với chỉ số tài chính tốt nhất.
Ở các vị trí tiếp theo, có sự hoán đổi giữa Saigon Coop và WinCommerce (gồm WinMart/Winmart+) khi Saigon Corp vươn lên vị trí thứ 2, BRG Mart và Family Mart thay thế cho Hapro và IPPG trong năm trước.
Một số gương mặt thuộc sở hữu của các nhà bán lẻ ngoại, ngoài Central Retail còn có Mega Market (top 4), Aeon Mall (top 5) và Lotte Mart (top 7).
Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023. |
Dựa vào kết quả khảo sát và phân tích của đơn vị này cũng cho thấy thị trường bán lẻ trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Cụ thể, theo Vietnam Report, kể từ quý IV/2022 đến nay, thị trường bán lẻ Việt Nam đã trải qua những tháng ảm đạm. Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành chịu áp lực nặng nề từ sức cầu yếu.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng nửa đầu năm 2023 chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%).
Hơn nữa, mức độ cạnh tranh của các nhà bán lẻ diễn ra mạnh mẽ và liên tục trong nửa đầu năm 2023 càng siết chặt đáng kể tỷ suất lợi nhuận của các nhà bán lẻ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3.175,5 nghìn tỷ đồng và ghi nhận mức tăng trưởng dương (+8,7% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng doanh thu 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của giai đoạn trước covid-19, từ năm 2015-2019.
Những tháng cuối năm 2023, song hành với những tín hiệu khả quan của nền kinh tế, hai phần ba số doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng rằng tình hình thị trường bán lẻ sẽ phần nào có cải thiện hơn so với nửa đầu năm, dù sự phục hồi chưa thực sự rõ rệt và tốc độ khá chậm chạp.
Trong khi đó, một phần ba số doanh nghiệp còn lại có góc nhìn tiêu cực hơn cho rằng, với dư âm tiêu cực của giai đoạn tiêu thụ yếu và thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, khó khăn sẽ dai dẳng.
Do đó, sự phục hồi cần nhiều thời gian hơn và nhiều khả năng sang nửa cuối năm 2024 mới quay trở lại bình thường.
Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, hướng tập trung phát triển theo chiều sâu, tối ưu chi phí vận hành cửa hàng, tồn kho, danh mục hàng hóa và chi phí logistics, tiết kiệm và sẵn sàng cắt giảm chi phí hoạt động của những cửa hàng hoạt động không hiệu quả được cho là chiến lược mang tính thiết thực.
Nhìn về tương lai, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường có sức hấp dẫn lớn với nhiều tiềm năng phát triển. Quy mô thị trường hiện lên tới 142 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD trong vài năm tới.
Sự trở lại của khách du lịch quốc tế trong năm nay và xu hướng ngày càng tăng trong tương lai sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành bán lẻ. Một điều kiện thuận lợi khác là Việt Nam đang ở thời kỳ đỉnh cao của lợi tức nhân khẩu học.
Dân số đông và trẻ với 100 triệu dân, quy mô dân số đứng thứ 15 thế giới, cơ cấu dân số ở độ tuổi vàng với trên 60% nằm trong độ tuổi lao động, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang thúc đẩy tầng lớp tiêu dùng.
Nhìn chung, về dài hạn, dư địa phát triển của ngành bán lẻ hứa hẹn ngày càng rộng lớn.