Thời sự
Quyết 2,87 triệu tỷ vốn đầu tư công, Quốc hội yêu cầu chống lợi ích nhóm
Nguyễn Lê - 28/07/2021 11:35
Quốc hội yêu cầu nguyên tắc phân bổ phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Sáng 28/7, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với 474/476 đại biểu tán thành, 1 vị không tán thành và 1 vị không biểu quyết.

Theo đó, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương 1.500.000 tỷ đồng (vốn trong nước 1.200.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng), vốn cân đối ngân sách địa phương 1.370.000 tỷ đồng.

Quốc hội đồng ý  dự phòng 10% kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương theo từng nguồn vốn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn.

Nghị quyết cũng xác định mục tiêu cụ thể tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 32-34% GDP, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

 Tỷ trọng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 28%, phấn đấu khoảng 29% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong đầu tư công.

Mục tiêu tiếp theo được nêu tại nghị quyết này là phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao; số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.

Tại nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu  đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm hoàn thành đưa các công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế. Tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, giảm tối đa số lượng các dự án khởi công mới;

Yêu cầu tiếp theo là đầu tư công phải bám sát và phục vụ cho việc thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt, huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược;

Bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực,  trong đó ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng động lực, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nghị quyết nêu rõ.

Quyết định thông qua 2,87 triệu tỷ đầu tư công, Quốc hội cũng yêu cầu giai đoạn 5 năm 2021- 2025 phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đáp ứng yêu cầu về tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 1). Khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 2021-2025; báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Nguyên tắc phân bổ phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, nghị quyết nêu rõ nguyên tắc phân bổ. 

Hồi âm ý kiến đại biểu về bố trí nguồn lực phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, việc xây dựng kế hoạch đã tính đến những tác động của dịch bệnh, theo đó, phương án Chính phủ trình đã tăng tổng mức đầu tư thêm 120.000 tỷ đồng với vai trò là nguồn “vốn mồi”, với phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, để tăng nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phục hồi sau dịch bệnh, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển theo Nghị quyết của Đảng (phấn đấu tăng trưởng khoảng 6,5-7%).

Tin liên quan
Tin khác