Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra (Ảnh Quochoi.vn). |
Trong tổng số 4.979 dự án dự kiến được phân bổ có khoảng 513 dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách Trung ương của các bộ, ngành, địa phương chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, Ủy ban Tài chính Ngân sách lo ngại khi thẩm tra kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo nội dung này trong phiên họp sáng 24/7 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban cơ bản thống nhất dự kiến tổng mức vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng. Bao gồm 1.500.000 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương (NSTW), trong đó 1.200.000 tỷ đồng vốn trong nước, 300.000 tỷ đồng vốn nước ngoài) và 1.370.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (NSĐP), mức dự phòng NSTW 10%, dự phòng NSĐP do Hội đồng nhân dân quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công.
Một số ý kiến đề nghị giữ tổng mức vốn đầu tư công là 2.750.000 tỷ đồng như đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, báo cáo thẩm tra phản ánh.
Về chi tiết phân bổ, báo cáo thẩm tra nêu rõ, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, phương án phân bổ chưa bảo đảm cụ thể vì bên cạnh việc phân bổ 100.000 tỷ đồng dự kiến dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), số còn lại 69.643,453 tỷ đồng, Chính phủ dự kiến thực hiện một số nhiệm vụ chưa có phương án chi tiết đảm bảo đầy đủ danh mục dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.
Đề nghị Chính phủ giải trình rõ vấn đề này, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường nêu quan điểm.
Cơ quan thẩm tra còn lưu ý, tổng số dự án được dự kiến phân bổ khoảng 4.979 dự án, trong đó có 2.236 dự án khởi công mới. Ngoài 264 dự án của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, có khoảng 513 dự án khởi công mới sử dụng vốn NSTW của các bộ, ngành, địa phương chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị trình Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, và ủy quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn như đã thực hiện tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Vì, việc hoàn thiện ngay thủ tục đầu tư đối với gần 5.000 dự án tại Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV là rất khó khăn. Việc trình Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến một mặt bảo đảm tính kịp thời, mặt khác, vẫn bảo đảm vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử trong việc xem xét, quyết định và giám sát thực hiện phân bổ nguồn lực đầu tư công, bảo đảm tính công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư báo cáo Quốc hội trước khi giao kế hoạch vốn trung hạn theo đúng quy định, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường cho biết.
Về việc phân bổ cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm khác, Ủy ban thẩm tra cơ bản thống nhất với dự kiến bố trí khoảng 104.533,847 tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, đối với 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2) cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định.
Đối với số vốn 78.719 tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, tránh việc chia nhỏ dự án không đúng quy định.
Liên quan đến dự kiến hoàn thành 1.700 km tuyến đường ven biển trong 5 năm, đa số ý kiến trong Ủy ban thẩm tra và các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng khó khả thi. Bởi các tuyến đường ven biển đi qua nhiều cửa sông, cửa biển, địa hình phức tạp, tính kết nối chưa rõ. Khả năng bố trí NSNN hoàn thành toàn tuyến đường chưa có cơ sở, tuyến đường này đi qua những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, khó bảo đảm bố trí NSĐP để thực hiện. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình rõ nội dung này.
Còn với vốn nước ngoài nguồn NSTW và bố trí vốn đối ứng, Chủ nhiệm cơ quan thẩm nêu rõ, thời gian qua, việc giải ngân vốn ODA vốn vay ưu đãi nước ngoài rất chậm. Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ danh mục các dự án đang thực hiện, chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025, các dự án sẽ ký hiệp định vay và thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo chi tiết phương án phân bổ; cân đối đủ vốn đối ứng đối với các dự án đã ký kết, chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025; tính toán, rà soát kỹ các hiệp định dự kiến sẽ ký trong giai đoạn 2021-2025.