150 đơn vị mua hồ sơ
Dự án Công viên điện mặt trời quốc gia (National Solar Park) giai đoạn 1 có công suất 60 MW trong tổng công suất 100 MW được đặt tại tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia. Theo tính toán sơ bộ, địa điểm dự án có mức độ bức xạ tốt, khoảng 208 W/m2 so với mức trung bình thế giới khoảng 170 W/m2.
Bản đồ bức xạ nhiệt khu vực Dự án Công viên điện mặt trời tại Campuchia |
Dự án Công viên điện mặt trời quốc gia giai đoạn 1 được thực hiện đấu thầu cạnh tranh quốc tế bởi Công ty điện lực Campuchia (Electricite du Cambodge - EDC) với tư vấn giao dịch là Vụ Hợp tác Công Tư (OPPP) thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có trả phí.
Nhà đầu tư trúng thầu sẽ triển khai Dự án theo hình thức BOT (Xây dựng - Sở hữu - Chuyển giao) với Hợp đồng mua bán điện (PPP) trong vòng 20 năm.
Thiết kế đấu thầu của Dự án này được dựa trên kinh nghiệm thực hiện của Dự án điện mặt trời công suất 10 MW đã triển khai hồi năm 2016 tại TP. Bavet thuộc tỉnh Svay Rieng, Campuchia có sử dụng vốn vay ADB và kinh nghiệm đấu thầu quốc tế.
Để tổ chức đấu thầu, Dự án đã được nghiên cứu và phân tích lưới điện để chọn địa điểm đấu nối tối ưu. Nghiên cứu chuẩn bị dự án cũng được tài trợ bởi Chính phủ Canada và Singapore, với thời gian thực hiện trong 6 tháng, từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2019.
Dự án Công viên điện mặt trời quốc gia đã chính thức mở bán hồ sơ thầu hồi tháng 3/2019 và kết thúc vào tháng 5/2019 đã nhận được sự quan tâm đông đảo của các nhà đầu tư khi có 150 đơn vị mua hồ sơ thầu.
Theo đầu bài, Công ty điện lực EDC sẽ thu hồi đất, xây dựng lưới điện truyền tải, trạm biến áp bằng nguồn vốn vay (bảo lãnh chính phủ) trị giá 15,64 triệu USD, trong đó 7,64 triệu USD vốn vay ADB và 8,0 triệu USD vốn vay WB, có kết hợp với nguồn viện trợ không hoàn lại là 3 triệu USD.
Chi phí cho đất đai và lưới điện truyền tải của Dự án được tính toán là khoảng 1 USD cent/kWh. Đây cũng là mức chi phí được đánh giá cao bởi Dự án có chiều dài đường dây truyền tải lên tới 40 km; mức điện áp của lưới điện truyền tải là 230 kV trong khi đầu ra của dự án chỉ cần 115 kV; công suất trạm biến áp là 100 MVA có mức dự phòng và cần xây đường giao thông vào dự án dài 12 km.
Như vậy, nhà thầu trúng tuyển sẽ phải xây dựng nhà máy điện mặt trời trong vòng tối đa 24 tháng và giá bán điện cuối cùng của Dự án không được vượt qua mức trần là 7,6 USD cent/kWh.
Ngày đóng hồ sơ thầu đã có 26 đơn vị nộp bản chào của mình.
1. ACWA Power
2. Prime Road Alternative
3. Sinohydro/SchneiTec
4. Renova
5. Solar Pack Corporation Technologica
6. Xian Electric/Xo New Energy
7. Harbin Jiushou Electric
8. Jiangsu Trina Solar Power
9. Sunseap International
10. Quadran International/Soma Energy
11. Green Yellow Simplified
12. Universal Energy
13. Glow Energy
14. China Datang/TBEA
15. Avaada Ventures
16. Gia Lai Electricity/Sharp
17. B Grimm Power.
- Lần chào giá thứ hai được mở ngày 5/9/2019
1. Prime Road Alternative
2. Sinohydro/SchneiTec
3. ACWA Power
Bất ngờ chốt giá 3,877 UScents/kWh
Được biết sau khi nhận được bản chào của 26 nhà thầu, các bên liên quan đã làm việc rất khẩn trương. Việc xét thầu được thực hiện qua 2 bước gồm, đánh giá tiền năng lực chủ đầu tư sau đó mới đánh giá tiếp Đề xuất kỹ thuật và Đề xuất tài chính.
Sau khi đánh giá có 18 Đề xuất kỹ thuật đạt yêu cầu kỹ thuật đã được mở Đề xuất tài chính vào ngày 29/8/2019, với giá điện chào trong khoảng 4,415 – 6,8 USD cent/kWh.
Ba nhà thầu chào giá thấp nhất lần lượt là ACWA Power, Prime Road Alternative và Sinohydro/SchneiTec sau đó được chào giá lần 2 vào ngày 5/9/2019. Trong lần chào giá này, Prime Road Alternative Limited Company (Thái Lan) đã đưa ra mức giá thấp nhất là 3,877 USD cent/kWh.
Sau khi trúng thầu, Nhà thầu sẽ ký Thỏa thuận thực hiện (Implementation Agreement) với Bộ Năng lượng và Mỏ (Ministry of Mines and Energy) Campuchia, Hợp đồng mua bán điện (PPP) trong vòng 20 năm với EDC và triển khai dự án nhà máy điện mặt trời theo hình thức BOT.
Theo dõi sát quá trình triển khai chọn nhà thầu phát triển Dự án Công viên điện mặt trời quốc gia tại Campuchia, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo của Bộ Công thương cũng cho hay, hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế để chọn nhà phát triển Dự án giúp công khai, minh bạch và đã thu được kết quả rất tốt khi giá trúng thầu cuối cùng là 3,877 UScents/kWh, bỏ xa mức giá trần được đặt ra ban đầu là 7,6 UScents/kWh.
Đây cũng được xem là kinh nghiệm tốt để Việt Nam học hỏi trong quá trình phát triển các dự án năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió hiện nay, nhằm chọn được mức giá tốt trong điều kiện công nghệ về điện mặt trời đang tiến bộ vượt bậc, khiến chi phí đầu tư giảm mạnh và giá bán lẻ điện tới người tiêu dùng vẫn còn ở mức thấp.
Hiện tại, giá điện mặt trời ở Việt Nam cho thời điểm sau ngày 1/7/2019 vẫn chưa được Chính phủ quyết định cuối cùng. Tuy nhiên để không tái diễn làn sóng đổ bộ đầu tư vào điện mặt trời như thời gian qua, bất chấp không phát được điện lên lưới điện như mong đợi bởi giá mua điện mặt trời quá hấp dẫn, tới 9,35 US/cent/kWh và không thay đổi trong 20 năm, câu chuyện đấu thầu chọn nhà phát triển Dự án điện mặt trời cũng đang được các chuyên gia của ADB và Việt Nam nhắc tới như một phương thức tránh lãng phí tiền bạc của xã hội lẫn gây áp lực tăng giá điện.
Khung làm việc về hợp đồng Dự án công viên điện mặt trời quốc gia Campuchia |
(Chú thích: EDC: Công ty điện lực Campuchia; MME: Bộ Năng lượng và Mỏ Campuchia; Project Company: Nhà thầu trúng thầu; Lenders: Các nhà cho vay tài chính; Sponsor(s): Các nhà tài trợ; EPC Contractor: Tổng thầu Kỹ thuật – Mua sắm – Xây dựng (EPC); O&M Contractor: Nhà thầu Quản lý & Vận hành; EPC contract: Hợp đồng EPC; O&M contract: Hợp đồng Quản lý & Vận hành; PPA: Hợp đồng mua bán điện; Financing Agreements: Các thỏa thuận).