Tài chính - Chứng khoán
Quyết toán ngân sách 2012: Tăng ảo, giảm thật
Hàn Tín - 20/05/2014 14:23
Bộ Tài chính vừa trình Quốc hội quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 với số thu 754.572 tỷ đồng tỷ đồng; chi 978.463 tỷ đồng tỷ đồng; bội chi 154.126 tỷ tỷ đồng, tương đương 4,75% GDP.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tập trung xử lý tình hình phức tạp ở Biển Đông
Quốc hội lên tiếng về tình hình Biển Đông
Ghi nhận kinh tế vĩ mô ổn định

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, so với dự toán, thu ngân sách vượt 1,9% (14.072 tỷ đồng) chủ yếu do yếu tố giá nên thu từ dầu thô tăng và tăng thu tiền sử dụng đất; chi ngân sách vượt 8,3% (75.363 tỷ đồng); bội chi vượt 13.926 tỷ đồng nhưng chỉ bằng 4,75% GDP, thấp hơn mức tối đa đã được Quốc hội cho phép là bội chi tương đương 4,8% GDP.

   
  Ông Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước quan ngại về tình trạng gian lận, trốn thuế  

Mặc dù năm 2012 ngân sách tăng thu, nhưng mổ xẻ, phân tích từng khoản thu, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách quan ngại tới sự bền vững của ngân sách.

“Thu ngân sách năm 2012, theo báo cáo của Bộ Tài chính là vượt 1,9%, nhưng trên thực tế chỉ đạt 99,2% dự toán. Bởi thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ đạt 127.093 tỷ đồng, bằng 82,6% dự toán, nhưng phải hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu 89.689 tỷ đồng. Do không có nguồn nên Bộ Tài chính chỉ quyết định hoàn thuế 70.000 tỷ đồng, số còn lại phải chuyển sang năm 2013 và 2014 xử lý tiếp. Như vậy, nếu hoàn đủ số thuế giá trị gia tăng phát sinh thực tế thì ngân sách chỉ thu về “tiền tươi thóc thật” 734.883 tỷ đồng, tức là chỉ bằng 99,2% dự toán”, ông Hiển tính toán.

Tiếp tục phân tích, mổ xẻ từng khoản thu, ông Hiển lo ngại trước thực tế là hầu như khoản nào cũng giảm thu (xem bảng).

   

(Nguồn: Bộ Tài chính)

Nguyên nhân giảm thu được Bộ Tài chính giải thích là kinh tế chậm phục hồi; hàng hóa, sản phẩm tồn kho ở mức cao; nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động... Trong đó nhiều nguyên nhân giảm thu năm 2012 chưa được khắc phục vẫn tồn tại trong năm 2013 và 2014, đặc biệt là tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn khiến doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động không ngừng gia tăng.

Trong khi đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Nguyễn Hữu Vạn lại bày tỏ sự quan ngại về tình trạng gian lận, trốn thuế của cả khu vực doanh nghiệp lẫn cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

“Kiểm toán Nhà nước mới chỉ kiểm tra tình hình chấp hành ngân sách tại 32 tập đoàn, tổng công ty; 117 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bộ ngành, địa phương; 1.467 doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã xác định số thuế tăng thêm gần 2.868 tỷ đồng. Kiểm tra các khoản thuế, phí phải nộp của 425 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã xác định ra số tiền gian lận lên tới gần 135 tỷ đồng”, ông Vạn cho biết và khẳng định tình trạng thất thu ngân sách năm 2012 có thể nói là rất lớn.

Không chỉ gian lận thuế, mà tình trạng thất thu thuế cũng khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại khi cho ý kiến vào Báo cáo Quyết toán ngân sách năm 2012.

“Qua kết quả kiểm toán và thanh tra cho thấy, hầu hết tổ chức, cá nhân được kiểm toán, thanh tra đều kê khai chưa đầy đủ các khoản phải nộp ngân sách nhà nước ở các mức độ khác nhau. Đây là tình trạng đáng lo ngại. Tình trạng đáng lo ngại nữa chính là nợ đọng thuế ngoài nguyên nhân do doanh nghiệp gặp khó khăn còn có nguyên nhân cơ quan quản lý thuế đôn đốc thu nợ chưa triệt để, xử lý nợ chưa thực sự kiên quyết, nghiêm minh, dẫn đến nợ đọng thuế và các khoản thu ngân sách vẫn tăng mạnh, lên đến 55.056 tỷ đồng, tăng 19.938 tỷ đồng so với năm 2011 và chiếm 12% tổng thu nội địa trừ dầu thô”, ông Phùng Quốc Hiển cho biết.

“Năm nào Quốc hội quyết toán thuế cũng nhận được báo cáo đánh giá là cần phải có giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng khai man thuế, trốn thuế, gian lận thuế, nợ thuế, nhưng năm nào tình trạng này vẫn được kết luận là còn phổ biến, diễn biến phức tạp. Nếu không có các giải pháp mạnh, hữu hiệu để xử lý tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, nợ đọng thuế thì sang năm, Quốc hội quyết toán ngân sách năm 2013, sang năm nữa quyết toán ngân sách năm 2014 thì những đánh giá này vẫn… còn nguyên giá trị”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bình luận.

Theo ông Lưu, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến ngân sách năm nào cũng phải “giật gấu vá vai”, thu chẳng đủ bù chi là do thất thu thuế, nợ đọng thuế. Nếu làm tốt công tác chống thất thu, chống nợ đọng, thu ngân sách hàng năm chắc chắn bớt căng thẳng.

“Tháng 10/2013, tại Phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 6, Bộ Tài chính dự kiến năm 2013 sẽ thất thu 63.000 tỷ đồng. Nhưng cuối cùng thì vượt 6.000 tỷ đồng (vượt 0,6% so với dự toán nhờ việc Bộ Tài chính quyết liệt chống thất thu, chống nợ đọng trong 2 tháng cuối năm. Chúng ta không thể đổ lỗi tình trạng gian lận thuế, nợ đọng thuế, trốn thuế cho người nộp thuế mà đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế”, ông Lưu dẫn chứng.

Sao vẫn giữ nguyên mức bội chi 5,3%

() Tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, trong đó tập trung phân tích lý do Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên mức bội chi 5,3% GDP, khi ngân sách không giảm thu.

Tin liên quan
Tin khác