Thời sự
Ra mắt Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Bờ Đông và Bờ Tây Hoa Kỳ
Hà Nguyễn - 19/05/2022 12:21
Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày càng được mở rộng, qua đó góp phần quy tụ nhân tài để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của đất nước.

Thêm hai thành viên mới cho Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam

Nhân chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công du Hoa Kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gặp gỡ cộng đồng tri thức Việt Nam tại Bờ Đông và Bờ Tây Hoa Kỳ.

Cũng nhân dịp này, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Bờ Đông và Bờ Tây đã được ra mắt, dưới sự chứng kiến và tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thành Sơn, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cùng toàn thể các Mạng lưới đổi mới sáng tạo tại các nước Đức, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc). 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại cuộc gặp với các thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam
và ra mắt Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Bờ Tây Hoa Kỳ

Đây là hai thành viên mới nhất trong Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, quy tụ đông đảo các nhân tài, trí thức người Việt tại Hoa Kỳ. Hơn 40 nhân tài Việt tại Hoa Kỳ đã tham gia sự kiện này, với hơn 80% là tiến sĩ và thạc sĩ, đang làm việc trong các trường đại học và các tập đoàn công nghệ lớn, như Facebook, Google và Nasa, Cisco…

Có những thành viên là quản lý cấp cao tại các tập đoàn lớn, như Phùng Kim Cương, Minh Đỗ ở Nasa... Lại có những thành viên là các doanh nhân công nghệ, với các công ty startup trị giá hàng chục triệu USD, như Tuấn Đinh, Hiệp Nguyễn, Tuấn Cao… Có những thành viên đã có gần 20 bằng sáng chế được Chính phủ Hoa Kỳ bảo hộ như Công Trịnh...

Thông tin cho biết, trong thời gian qua, được sự bảo trợ của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, nhiều hoạt động của cộng đồng trí thức, doanh nhân công nghệ ở Thung lũng Silicon - Hoa Kỳ đã được thúc đẩy nhanh chóng và thuận lợi

Thời gian tới đây, các Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, như Giáo dục Stem, Hỗ trợ doanh nghiệp, Công nghệ Semiconductor, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Blockchain...

Ngoài ra, Mạng lưới cũng đề xuất kết nối với Công ty Techstar, phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phát triển các chương trình ươm tạo khởi nghiệp tại Việt Nam.

“Mạng lưới sẽ là cầu nối kêu gọi các nguồn tài chính để hỗ trợ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thực hiện nhiệm vụ này”, bà Hạnh Nguyễn, đại diện Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Bờ Đông Hoa Kỳ cho biết.

Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam được thành lập từ năm 2018, từ sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhằm kết nối các nguồn lực trí thức vô hạn cua người Việt được đào tạo tại các quốc gia có nền khoa học - công nghệ tiên tiến.

Từ 100 thành viên ban đầu, đến nay Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã không ngừng được mở rộng. Cùng với đó, các Mạng lưới thành phần đã được thành lập tại Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan và châu Âu, dưới sự kết nối của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Các Mạng lưới thành phần có vai trò như “cánh tay nối dài” để kết nối các chuyên gia, trí thức, thu hút các nguồn lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Chính vì vậy, cùng với việc ra mắt Mạng lưới Đổi mới sáng tạo tại Bờ Đông và Bờ Tây Hoa Kỳ lần này, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đại diện các Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam ở nước ngoài.

Kết nối nhân tài Việt, cùng hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng

Tại cuộc gặp, các Mạng lưới thành viên tại các nước đã có dịp chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn đang gặp phải trong quá trình hỗ trợ thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam cũng như việc kết nối và quy tụ cộng đồng tri thức người Việt Nam tại nước ngoài. 

GS-TS. Nguyễn Xuân Thính, Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Đức cho biết, ngay trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Mạng lưới đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa. Chẳng hạn, Hội thảo trực tuyến “Người Việt giữa tâm bão Covid-19”, Hội thảo về cơ hội việc làm trong đại dịch Covid-19 cho cộng đồng người Việt và gốc Việt tại Đức...

“Trong thời gian tới đây, Mạng lưới tại Đức (VGI) sẽ tập trung đẩy mạnh hỗ trợ vào các ngành, lĩnh vực như Y học, Năng lượng, Chuyển đổi số, Công nghệ xanh, Công nghệ môi trường...”, GS-TS. Nguyễn Xuân Thính cho biết.

Trong khi đó, đại diện Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Nhật Bản - TS. Nguyễn Thành Vinh cũng đã chia sẻ một số các hoạt động nổi bật của Mạng lưới Nhật trong thời gian vừa qua.

Đó là tổ chức thành công “Diễn đàn Tri thức Việt Nam tại Nhật Bản 2021”, “Hội thảo Học thuật Việt - Nhật”... Chưa kể, còn hàng loạt hội thảo được tổ chức định kỳ hàng tháng...

Hơn nữa, một trong những sự kiện nổi bật nhất chính là ta mắt “Tuyển tập Khoa học và Công nghệ Nhật Bản”, dưới sự chứng kiến và tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thông tin cho biết, trong thời gian tới, Mạng lưới tại Nhật Bản (VJOIN) dự kiến xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia và công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ giữa Nhật Bản và Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế. 

Tương tự, thông tin từ Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc - TS. Nguyễn Quang Phước, Mạng lưới Hàn Quốc cũng đã tổ chức nhiều hội thảo để chia sẻ về các nghiên cứu và công nghệ đạt thành tựu cho cộng đồng người Việt tại Việt Nam và tại Hàn Quốc, thực hiện kết nối với một số quỹ đầu tư và tổ chức Hàn Quốc nhằm tăng cường thị trường đầu tư và đào tạo khởi nghiệp cho các startups Việt Nam. 

Trong khi đó, Chủ tịch - TS. Trần Phi Vũ của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Úc cho biết, Mạng lưới đã, đang và sẽ tập trung thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực nông nghiệp thông minh tại Việt Nam bằng cách tổ chức hội thảo và kết nối với các viện, trường đại học hàng đầu về nông nghiệp tại Úc và Việt Nam cùng các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể cho nông nghiệp Việt Nam. 

Còn Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc), theo Chủ tịch - TS. Võ Đức Thắng, sẽ tiếp tục mở rộng thành viên Mạng lưới trong cộng đồng tri thức người Việt tại Đài Loan, tổ chức các hội thảo hỗ trợ startups và xây dựng Tuyển tập Khoa học và Công nghệ của Đài Loan...

Ở châu Âu, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam cũng có nhiều hoạt động có ý nghĩa. Chẳng hạn, xây dựng mạng lưới các đối tác tin cậy trong nước và quốc tế nhằm thực hiện các hoạt động thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, điển hình Becamex Bình Dương, Hue Innovation Hub, BWA, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hungary HCCI...

Theo Chủ tịch - TS. Nguyễn Việt Anh, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam ở châu Âu còn thực hiện tư vấn cho nhiều dự án trong nước, ví như “Dự án công nghệ và đầu tư tại Tỉnh Bắc Giang”...

Đánh giá cao hoạt động tích cực của các Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đã đến lúc đưa hoạt động của các Mạng lưới lên một tầm cao hơn, quy tụ, tập hợp được nguồn lực trí thức người Việt ở các quốc gia để cùng nhau cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam ở nước ngoài

“Động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới chính là khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phải làm sao để phát huy được sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh sức mạnh tuyệt vời của con người Việt Nam, song lâu nay chưa được tập hợp, mà vẫn đang rời rạc ở nhiều nước khác nhau.

Chính vì vậy, Bộ trưởng đã đề xuất việc tập hợp, thành lập một Mạng lưới Đổi mới sáng tạo toàn cầu, với các thành viên được mở rộng sang cả chuyên gia công nghệ nước ngoài, các doanh nghiệp quốc tế, có quỹ đầu tư chung để hỗ trợ các Mạng lưới trong quá trình hoạt động...

“Chúng ta đã quy tụ được 1.000 nhà khoa học và sẽ phát triển thêm nữa, tập hợp hàng chục ngàn chuyên gia người Việt trên khắp thế giới, cùng nhau làm việc, thúc đẩy các nghiên cứu, sản phẩm, hỗ trợ cho khoa học - công nghệ trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng, trí tuệ người Việt không thua kém bất kể dân tộc nào. Nếu Chính phủ, các tổ chức trong nước hỗ trợ, hợp tác thì chắc chắn chúng ta sẽ làm chủ được công nghệ, góp phần xây dựng được nền kinh tế tự chủ, độc lập để đưa đất nước “tiến cùng” và “vượt lên”, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc.

Tin liên quan
Tin khác