Trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tăng, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến xâm phạm dữ liệu.
Báo cáo của IBM cho thấy, chi phí của các cuộc xâm phạm dữ liệu có thể lên tới gần 5 triệu USD. Hậu quả của việc mất mát hoặc đánh cắp thông tin không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính mà còn làm giảm uy tín của các doanh nghiệp.
DataTrust: Giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp
DataTrust, được phát triển bởi đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu, là nền tảng số đầu tiên tại Việt Nam quản trị về quyền riêng tư.
Ông Đỗ Hưng Thuận, Giám đốc công nghệ của VNDS, chia sẻ: “Tại Việt Nam, DataTrust được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tiễn hiện nay khi chưa có một giải pháp công nghệ nào có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chứng minh tuân thủ, vốn phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí”.
DataTrust cung cấp bộ công cụ toàn diện, hỗ trợ thực thi đầy đủ các quyền của chủ thể dữ liệu, đảm bảo tuân thủ tối đa cho doanh nghiệp. Các chức năng nổi bật bao gồm: báo cáo hiện trạng, báo cáo tuân thủ, báo cáo thủ tục hành chính và thực hiện 11 quyền của chủ thể dữ liệu. Hệ thống giám sát tuân thủ chủ động của DataTrust còn giúp doanh nghiệp tự phát hiện các vấn đề trong triển khai tuân thủ, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí đáng kể.
DataTrust hứa hẹn sẽ mang đến một công cụ đột phá, giúp các cơ quan, tổ chức tự động hóa và đơn giản hóa các quy trình chứng minh tuân thủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. |
Theo ông Thuận, DataTrust đã giúp các khách hàng giảm tới 95% thời gian, chi phí và nhân lực so với phương pháp truyền thống. “Chúng tôi mong muốn mang đến cho doanh nghiệp, tổ chức bộ giải pháp công nghệ toàn diện, đầy đủ và phù hợp hoàn toàn với các yêu cầu pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam”, ông Thuận nói.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Trách nhiệm của toàn xã hội
Với gần 80 triệu người sử dụng Internet, Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 thế giới về số lượng người dùng.
Tuy nhiên, nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng còn hạn chế, dẫn đến tình trạng lộ, lọt, đánh cắp và buôn bán thông tin cá nhân diễn ra phổ biến.
Bộ Công an đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến lộ mất và rao bán thông tin cá nhân trên không gian mạng, cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng và khó lường.
Để đối phó với các thách thức này, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặt nền móng cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam. Nghị định này, có hiệu lực từ tháng 7/2023, quy định các tổ chức, doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ cả yêu cầu quản lý và kỹ thuật trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tuy nhiên, để bảo vệ dữ liệu cá nhân, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều phải nâng cao nhận thức và kỹ năng trong việc bảo vệ thông tin cá nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai nhiều giải pháp để tăng cường quản lý và bảo vệ dữ liệu cá nhân, bao gồm kiểm tra, thanh tra các đơn vị thu thập, xử lý thông tin cá nhân, và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho người dân về ý thức bảo vệ thông tin cá nhân.