Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trao đổi tại Hội thảo |
5 ngành kinh doanh có điều kiện của ngành công thương được VCCI lựa chọn rà soát gồm kinh doanh khí, kinh doanh rượu, xuất khẩu gạo, kinh doanh dịch vụ logistics và kinh doanh dịch vụ tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh.
Các ngành thuộc lĩnh vực khoa học – công nghệ được rà soát là kinh doanh dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ; kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn mát; kinh doanh dịch vụ đánh giá, định giá và giám định công nghệ.
Nhiều nội dung được các đại biểu tiếp tục phân tích cho thấy sự bất cập, như về việc đặt các điều kiện liên quan đến quy mô doanh nghiệp, điều kiện nhân lực, cách thức, mô hình kinh doanh... Ví như quy định kinh doanh logistics lại cần điều kiện có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu, trong khi doanh nghiệp có thể đi thuê ngoài, hay việc quy định các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có khó chứa tại địa điểm hoạt động xuất nhập khẩu; quy định doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm phải có đủ thiết bị sản xuất từ vỏ mũ, mút xốp, đinh tán…
“Tại sao không cho phép các doanh nghiệp đi mua của các doanh nghiệp chuyên về dập nhựa hay chuyên về mút xốp. Với điều kiện này thì sao có thể tạo ra chuỗi sản xuất được”, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đặt câu hỏi.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lý giải, vẫn còn tình trạng “lạm dụng” điều kiện kinh doanh, thậm chí là các tiêu chí để bảo vệ người tiêu dùng của Điều 7, Luật Đầu tư.
“Chúng tôi nhận rất nhiều văn bản về điều kiện kinh doanh, không đồng ý với cách tư duy hiện tại là điều kiện nào cũng lấy lý do bảo vệ người tiêu dùng. Luật Đầu tư đã quy định các bộ, ngành phải xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về điều kiện kinh doanh trước khi trình Chính phủ ban hành, chúng tôi phải tuân thủ và phải làm đúng. Không thể để nỗ lực cải cách điều kiện kinh doanh bị xóa bỏ”, ông Hiếu nói.
Nhóm nghiên cứu đang thực hiện khảo sát tiếp tục với một số ngành nghề có điều kiện trong lĩnh vực giao thông - vận tải. Ông Hiếu cho biết sẽ tham khảo để bổ sung thêm cho Nghiên cứu của CIEM sẽ được công bố vào giữa tháng 6 tới.