Đầu tư và cuộc sống
Rào cản trong thực hiện tự chủ đại học
Mộc An - 12/08/2022 11:08
Thực hiện tự chủ đại học đã đạt những thành tựu nhất định, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Giờ thực hành tại Trường đại học Phenikaa (Hà Nội)

Còn vướng mắc

Tự chủ đại học là bước đi cần thiết và quan trọng để giáo dục đại học Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiện hệ thống văn bản pháp quy của Nhà nước liên quan đến công tác này còn thiếu đồng bộ, một số nội dung quy định nhà trường được phép tự chủ nhưng trên thực tế chưa thực hiện được.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận, quá trình triển khai tự chủ đại học thời gian qua có các vướng mắc do hệ thống các văn bản quy định pháp luật chồng chéo. Thậm chí, có cả những ngộ nhận về các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Về phía cơ sở giáo dục đại học, GS-TS. Trần Đức Viên, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, Luật Giáo dục đại học điều chỉnh hoạt động của các trường đại học, song hoạt động giáo dục đại học còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhiều đạo luật chuyên ngành khác như Luật Viên chức, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách, dẫn đến nhiều chống chéo.

Cụ thể, Luật Quản lý tài sản công không đồng bộ với Luật Giáo dục đại học cho phép cơ sở giáo dục được sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách. Luật Ngân sách không đồng bộ với việc hội đồng trường được phê duyệt kế hoạch, quyết toán tài chính.

Cùng với đó, theo ông Viên, các công cụ chính sách cho việc thực hiện các nội dung tự chủ còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, về tự chủ tổ chức, hiện nhà trường chưa được tự chủ trong lựa chọn, bổ nhiệm và bãi nhiệm người đứng đầu.

Ngoài ra, việc giao quyền tự chủ đối với cơ sở giáo dục đại học thời gian qua mới chỉ thực hiện thí điểm, giao từ trên xuống, hầu như chưa trở thành nhu cầu nội tại của các cơ sở đào tạo; điều kiện tự chủ mới chủ yếu tiếp cận từ góc độ tổ chức nhân sự, tài chính và tài sản, hầu như chưa tính đến việc tự chủ về chuyên môn và học thuật.

Trong tự chủ đại học, tài chính là một nội dung quan trọng và nhiều trường thực hiện tự chủ đang lao đao vì điều này. Ông Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường đại học Thương mại cho rằng, trước khi thực hiện tự chủ, ngân sách nhà nước là nguồn tài chính quan trọng nhất của các cơ sở đại học công lập. Mức độ tự chủ gia tăng đồng nghĩa với việc nguồn từ ngân sách giảm dần. Lúc này, nguồn thu của cơ sở đại học chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 70 - 80% tổng thu.

Vậy nên, theo ông Hoàng, nếu không có cơ chế để có nguồn thu khác, thì sức ép chi phí sẽ khiến các trường buộc phải tăng quy mô tuyển sinh, tăng học phí. Đây là hệ lụy được nhìn thấy rõ khi tác động trực tiếp đến người học, gây bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học giữa người dân có thu nhập khác nhau.

Minh bạch hóa hệ thống pháp lý

Nhằm gỡ bỏ những rào cản trong tự chủ đại học, PGS-TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật mới có tính chất dẫn dắt quá trình tự chủ đại học. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên triển khai nghiên cứu quy mô, khảo sát và đánh giá toàn diện quá trình thực hiện và kết quả thí điểm tự chủ đại học tại Việt Nam trong thời gian qua, từ đó có giải pháp định hướng.

Đại diện Đại học Công nghệ (Đại học quốc gia Hà Nội) đề xuất, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ rõ vai trò của hội đồng trường, quan hệ giữa hội đồng trường, Đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường, cũng như trách nhiệm của từng đơn vị để các trường dễ dàng thực hiện tự chủ. Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho các trường mới tự chủ, như Đại học Công nghệ bởi trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất.

Ở góc nhìn khác, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT kiến nghị, nên có quy định kịp thời về tự chủ của các trường đại học trong thu hút vốn đầu tư, trong đó có việc vay, bảo lãnh, trả nợ của trường công. Ngoài ra, phải mở rộng cơ chế tín dụng sinh viên, lấy tương lai đầu tư cho hiện tại. Đồng thời, gỡ bỏ các quy định bất cập về hành lang cho việc tự chủ, mở rộng quyền tự chủ giáo dục đại học liên quan đến sử dụng giảng viên, cán bộ nghiên cứu là người nước ngoài và việc công nhận văn bằng do đại học nước ngoài cấp.

Về khía cạnh học phí, PGS-TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nêu quan điểm, việc tăng học phí trong các trường đại học công lập tự chủ có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học.

Vì vậy, cơ quan quản lý cần có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường đại học tự chủ phải theo lộ trình. “Đặc biệt, sớm hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác công tư, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục và đào tạo”, ông Quân nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, về nguyên tắc, tự chủ đại học không phải là tự do, tự lo, không có quản lý nhà nước. Tự chủ cần thực hiện đúng pháp luật, gắn tự chủ với trách nhiệm giải trình.

Tin liên quan
Tin khác