Thời sự
Tự chủ đại học và quan ngại từ lợi ích nhóm
Nguyễn Lê - 27/11/2020 14:13
Những nhận thức, chỉ đạo về tự chủ đại học ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ nhưng thực hiện còn có nhiều vấn đề gây quan ngại.

Hội thảo giáo dục đại học Việt Nam 2020 “Tự chủ giáo dục đại học – từ chính sách đến thực tiễn”  - (Ảnh TTXVN).

Ngày 27/11/2020, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội thảo giáo dục đại học Việt Nam 2020 “Tự chủ giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn”.

Với sự tham gia của hơn 250 đại biểu, tại đây vấn đề tự chủ đại học đã được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh.

Nhận xét là nhận thức về tự chủ đại học của chính các trường chưa được đầy đủ, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Trần Đức Viên cho rằng, tự chủ chỉ thực sự khi hội đồng trường có thực quyền và khi đó mới có thể bàn tới việc xoá bỏ cơ chế chủ quản.

Mấu chốt để nâng quyền lực thực chất của hội đồng trường là nhà nước nên rút vai trò của mình, chỉ quy định mức học phí tối thiểu, không quy dịnh mức học phí tối đa để hướng chất lượng ra thế giới, để xã hội tự điều chỉnh, ông Viên nêu quan điểm.

TS. Lâm Quang Thiệp - Trường Đại học Thăng Long, trong tham luận gửi tới hội thảo cho rằng, mặc dù chính sách tự chủ đại học đã được các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước quan tâm và đã được đưa vào hệ thống luật lệ về giáo dục, nhưng nhận thức về chính sách vẫn còn khoảng cách giữa cấp đề xuất và cấp áp dụng chính sách, cũng như giữa các cấp thực thi chính sách trong thực tiễn.

Chứng minh nhận định này, ông Thiệp dẫn nhiều văn bản ở các thời điểm khác nhau từ 15 năm trước. Cụ thể, năm 2005, Nghị quyết 14 về đổi mới giáo dục đại học của Chính phủ đã quy định “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”. Theo quy định này, khi đã đưa vào hội đồng trường đại diện của bộ chủ quản thì sự quản trị của bộ chủ quản không được thực hiện trực tiếp nữa mà thông qua đại diện này.

Tiếp đến, Nghị quyết 89 năm 2016 của Chính phủ tiếp tục khẳng định “giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (hội đồng trường) ”.

Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (năm 2017) về tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập cũng chỉ đạo cần “nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học”, và quy định cụ thể “bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường”.

Như vậy, những nhận thức, chỉ đạo về tự chủ đại học ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông Thiệp nhấn mạnh, khi nhận thức không theo kịp sự phát triển của chính sách, cấp áp dụng chính sách bên dưới thường có xu hướng bám theo các quy định cũ, thậm chí ban hành các văn bản vi phạm các văn bản chỉ đạo của cấp trên và các luật lệ đã được cải tiến.

Ông Thiệp nêu trường hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan chủ quản “bên trên” Trường Đại học Tôn Đức Thắng, trong các sự việc gây chú ý dư luận vừa qua.

Cụ thể, việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 1584 về việc cách chức Hiệu trưởng Lê Vinh Danh của trường Tôn Đức Thắng, theo một số chuyên gia, là trái với Nghị quyết số 19 của Trung ương cũng như Luật Giáo dục đại học năm 2018 về tự chủ đại học.

Một ví dụ nữa được ông Thiệp dẫn ra liên quan đến Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học, ở Điều 7 vẫn quy định cơ quan chủ quản có nhiều quyền quyết định bên trên hội đồng trường chứ không phải chỉ cử đại diện tham gia hội đồng này.

Điều này chứng tỏ những người soạn thảo Nghị định, do những lý do khác nhau, không thật thấm nhuần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về việc đảm bảo cho “hội đồng trường là cơ quan có thực quyền cao nhất của trường đại học” như đã nêu.

Đại diện đại học Thăng Long cũng cho rằng, khoảng cách trong nhận thức được nói ở đây không chỉ phụ thuộc vào trình độ nhận thức, mà đôi khi còn liên quan đến lợi ích nhóm, và ông chia sẻ với nhận định của TS Trần Đình Thiên rằng, lợi ích của nhóm đang giữ quyền trở thành thế lực cản trở mạnh mẽ hoạt động tự chủ đại học.

Được hỏi ý kiến về nhận định này bên lề hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, chưa có số liệu hay cơ sở nào để khẳng định điều đó. Vì thế chưa thể bình luận gì khi chưa có căn cứ.

Đối với các trường đại học tự chủ trên thế giới thì hội đồng trường vẫn có vai trò quyết định. Học tập kinh nghiệm quốc tế từng là yếu tố được nhấn mạnh khi quy định mô hình hội đồng trường ở Việt Nam. Song, các chuyên gia cho rằng, nguyên tắc cần áp dụng ở đây, sự có mặt của hội đồng trường đảm bảo một cách rõ rệt sự dân chủ trong hoạt động của nhà trường và khả năng tự chịu trách nhiệm và giải trình của nhà trường, mọi thành phần trong trường được tham gia vào các quyết định của nhà trường thông qua các đại diện của họ trong hội đồng trường. Hội đồng trường bầu Hiệu trưởng và miễn nhiệm Hiệu trưởng, cơ quan quản lý nhà nước chỉ công nhận sự lựa chọn của nhà trường.
Tin liên quan
Tin khác