Đầu tư Phát triển bền vững
Ráo riết hành động ngăn rác thải nhựa trên biển
Oanh Nguyễn - 09/06/2021 13:02
Kể từ khi Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 được ban hành, Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển.
Rác thải nhựa làm ô nhiễm biển (Ảnh minh họa).

Kế hoạch hành động toàn diện

Đến năm 2030,  thủy sản và du lịch là những ngành sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Việt Nam không có những giải pháp cấp bách để chống lại vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa. Ước tính, nếu Chính phủ không có những hành động kịp thời, thì mỗi năm, sẽ có từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn nhựa đổ ra vùng biển của Việt Nam, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Nhận thức được vấn đề trên, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi vào tháng 11/2020, đồng thời cam kết tiến hành một loạt hành động để giải quyết nhiệm vụ cấp bách này, một trong số đó là Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/12/2019 tại Quyết định số 1746/2019/QĐ-TTg.

Chính phủ đã đưa ra một kế hoạch hành động toàn diện, huy động tất cả các bộ, ngành, các cơ quan nhà nước các cấp tham gia, với quy mô triển khai chưa từng có trên phạm vi toàn quốc để bảo vệ vùng biển Việt Nam khỏi sự xâm lấn của rác thải nhựa. Kế hoạch hành động xác định rõ phương án triển khai trung hạn (5 năm) và dài hạn (10 năm) với những mục tiêu cụ thể.

Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam quyết tâm đặt mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. 

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Việt Nam đang tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức và thúc đẩy thay đổi hành vi sử dụng nhựa. Đồng thời, thu gom, phân loại, lưu trữ, chuyển giao và xử lý chất thải nhựa từ các hoạt động ven biển và trên biển cũng là một giải pháp quan trọng.

Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan thực hiện các chiến dịch làm sạch bãi biển ở các địa phương ven biển ít nhất hai lần một năm. Các cơ quan này sẽ phải tìm địa điểm lưu trữ rác thải nhựa phù hợp và điểm thu gom nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và mỹ quan. Các cơ quan cũng sẽ tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu rác thải nhựa trên biển để bổ sung cho cơ sở dữ liệu nguồn thải quốc gia.

 

Ráo riết hành động

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động để giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Chỉ một tháng sau đó, Chính phủ Việt Nam đã quyết định tham gia Hội nghị quốc tế chính thức về chủ đề giảm rác thải nhựa.

Năm 2020, hơn 80 quốc gia tham gia kêu gọi một thỏa thuận toàn cầu nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng Đề án tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương vào quý II/2021 và chuẩn bị Kỳ họp thứ hai của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc lần thứ năm (UNEA 5.2) vào tháng 2/2022.

Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tham gia quá trình xây dựng và đã có những đóng góp bước đầu vào việc hình thành  Thỏa thuận toàn cầu về vấn đề rác thải nhựa đại dương.

Ngoài ra, tháng 2/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020-2030. Kế hoạch hành động này đề ra mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương từ nguồn tới đại dương, triển khai hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông dân, ngư dân và doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Việt Nam sẽ thúc đẩy nghiên cứu, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến rác thải nhựa trên biển với các quốc gia, lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đặt mục tiêu duy trì và tăng cường hợp tác với các tổ chức biển quốc tế và chủ động thông qua các công ước quốc tế mới, hợp tác quốc tế trong việc kiểm soát và quản lý rác thải nhựa trên biển.

Cùng với đó, Việt Nam đang nghiên cứu thiết lập một cơ chế đối tác công - tư để doanh nghiệp và cơ quan nhà nước hợp tác tốt hơn trong giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương.

Tin liên quan
Tin khác