Toàn cảnh Hội thảo |
Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Cơ quan hợp tác kỹ thuật Pháp (Expertise France) tổ chức tại Hà Nội ngày 9/4 vừa qua.
Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn về nhựa, góp phần giảm đáng kể lượng rác thải trên biển. Dự án do EU và chính phủ Đức đồng tài trợ, do Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Expertise France thực hiện.
Ông Phạm Phú Bình - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TN&MT) phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TN&MT) cho biết: Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng luôn quan tâm tìm kiếm các giải pháp cấp bách và dài hạn để giảm thiểu ô nhiễm nhựa, thúc đẩy phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn. Điển hình, Thủ tướng đã phê duyệt quyết định số 1746/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương tầm nhìn đến năm 2030. Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho các thải biển” có thể góp phần quan trọng hỗ trợ triển khai Kế hoạch hành động quốc gia, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra. Kinh nghiệm và bài học rút ra từ việc triển khai Dự án và các hoạt động thí điểm sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình và kiến nghị các ý tưởng xây dựng chính sách.
Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, phụ trách Hành động khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, thuộc Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta cần hướng tới nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa - một nền kinh tế sử dụng và quản lý tài nguyên hiệu quả, bền vững hơn. Trong khuôn khổ dự án “Suy nghĩ lại về nhựa”, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm ngăn ngừa chất thải nhựa đại dương và chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong khu vực và châu Âu. Các hoạt động thí điểm này cũng đóng góp vào những nỗ lực chung hướng tới nền kinh tế tuần hoàn thông qua các hoạt động cụ thể và kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương, với sự tham gia của cộng đồng, hộ gia đình, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp địa phương. Chúng tôi hy vọng các hoạt động thí điểm có thể trở thành các mô hình kiểu mẫu và tạo nguồn cảm hứng cho các sáng kiến và xây dựng chính sách trong tương lai”.
Làm sao để triển khai các hoạt động thí điểm một cách hiệu quả nhất là băn khoăn, trăn trở của những đơn vị trực tiếp triển khai dự án, chính vì vậy, đại diện một số đơn vị đã đề xuất những giải pháp nhằm tăng tính khả thi cho dự án.
Theo ông Nguyễn Tử Cương, chuyên gia chính thực hiện hoạt động thí điểm tại Phú Yên: “Chúng ta cần cân đối một khoản tài chính để chi trả cho các “lao công” thu gom rác thải trên biển (chính là các ngư dân). Bởi lẽ, trên đất liền, những người lao công đều được trả thù lao, vậy tại sao làm việc trên biển lại không có cơ chế đó. Hơn nữa, trong một thời gian ngắn, phương án kêu gọi dự tham gia tình nguyện của các ngư dân là khả thi, nhưng về lâu về dài, họ cũng cần phải tập trung vào công việc chính là đánh bắt cá để đảm bảo kế sinh nhai cho gia đình. Chính vì vậy, nếu họ được trả thêm phụ cấp từ việc thu gom rác thải nhựa trên biển, họ sẽ hào hứng hơn”.
Được biết, ngoài 4 hoạt động thí điểm được triển khai tại Việt Nam, 16 hoạt động thí điểm tại Trung Quốc, Indonesia, Phillippines và Thái Lan cũng đã được thực hiện trong khuôn khổ sáng kiến “Suy nghĩ lại về nhựa”.
4 hoạt động thí điểm:
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động Tăng cường thu gom, phân loạt và tái chế bao bì nhựa do Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) và Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện trên địa bàn quận 3 và huyện Nhà Bè.
Hoạt động thí điểm Quản lý chất thải từ tàu tại các cảng biển Việt Nam - Tân Cảng Cát Lái được Expertise France và Cục Hàng hải Việt Nam (Vinamarine) triển khai. Quản lý hiệu quả chất thải từ tàu là yếu tố quan trọng giúp hạn chế tình trạng tàu xả trái phép chất thải ra biển. Dự án thí điểm này sẽ đánh giá các quy định hiện hành, các hoạt động tại cảng Cát Lái (Tân Cảng Sài Gòn) và hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ tốt của các cảng trên thế giới.
Tại Hà Nội, sáng kiến thành lập Liên minh các nhà bán lẻ do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) và Sở Công Thương Hà Nội phối hợp thực hiện, với sự giám sát của Bộ Công thương, nhằm khuyến khích và giám sát việc tiêu dùng túi ni-lông thân thiện với môi trường, góp phần làm giảm rò rỉ rác thải nhựa ra môi trường, cũng như quy tụ các siêu thị cam kết giảm rác thải bao bì nhựa và túi nhựa.
Hoạt động Thu gom rác thải bằng tàu cá: Thúc đẩy mô hình thu gom tự nguyện rác thải biển của cộng đồng ngư dân được Expertise France phối hợp cùng Hội nghề các Việt Nam (VINAFIS) thực hiện tại Phú Yên.