Doanh nghiệp
Rau quả Việt sẽ bứt phá tại thị trường EU
Hồ Hạ - 03/03/2021 17:01
Việc giảm thuế theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn để tiến vào thị trường châu Âu.
Triển vọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhờ các FTA Ảnh: Đức Thanh

Chinh phục thị trường khó tính

Từ sản xuất, tiêu thụ trong nước là chính và xuất tiểu ngạch sang thị trường các nước láng giềng, rau quả Việt Nam đã không ngừng thay đổi phương thức sản xuất, hình thành quy hoạch những vùng chuyên canh chất lượng an toàn để xuất khẩu chính ngạch sang những thị trường khó tính, mang lại giá trị cao.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng trị giá xuất khẩu rau quả tháng 2/2021 đạt 300 triệu USD; tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu rau quả đạt 610 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài Việt Nam đã đặt chân vào thị trường Mỹ, đạt kim ngạch khoảng 20 triệu USD/năm, dự kiến bưởi là loại trái cây thứ 7 trong danh sách này. Xoài, vải đã đặt chân vào Nhật Bản, Australia sau nhiều năm đàm phán. Mới đây, dừa tươi đã sang thị trường Anh, bưởi da xanh sang Đức, thanh long sang Hà Lan, chanh leo sang Pháp…

Những năm trước, trái cây xuất khẩu tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam, thì vài năm gần đây, nhãn, vải thiều, thanh long, xoài… ở các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Bắc Giang, Sơn La đã xuất sang Singapore, Australia, Mỹ, Nga…, làm giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến sản xuất và xuất khẩu rau quả gặp nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy. Giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,26 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2019. Điều đáng mừng là, mặc dù trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Hà Lan chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng năm 2020 đều đã tăng trưởng khá.

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam trong 5 năm gần đây đạt 3,5 - 4 tỷ USD. Cả nước đã có khoảng 40 loại rau quả được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc chinh phục được những thị trường khó tính nhất đã cho chúng ta thêm tự tin để thâm nhập các thị trường khác, mở ra cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Xuất khẩu rau quả sang EU sẽ tăng đột biến

Năm 2021, triển vọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực. Việc khai trương Cổng thông tin về FTA sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt nhanh nhất, hiệu quả nhất những lợi ích từ các FTA mà Việt Nam tham gia.

Về thị trường, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất, bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ. Đặc biệt, việc giảm thuế theo EVFTA sẽ giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn để tiến vào thị trường châu Âu.

“Hiện EU là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ tư của Việt Nam. Đặc biệt, nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ trái cây của người dân châu Âu tăng cao trở lại, xuất khẩu trái cây sang thị trường này dự báo ghi nhận tăng trưởng đột biến”, ông Toản phân tích. 

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay, cả nước có khoảng 1,05 triệu ha cây ăn quả, sản lượng hơn 12,6 triệu tấn. Trong đó, xoài đạt 814.800 tấn, thanh long đạt 1,242 triệu tấn, bưởi đạt 779.300 tấn… Ngoài ra, cả nước có 1.749 vùng trồng quả tươi được cấp mã số xuất khẩu, 1.200 mã số cho cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu.

Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào các thị trường “khó tính”. Trong đó, nhiều nhất là mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ (471), tiếp đó là Australia và New Zealand (393), Hàn Quốc (199) và theo sau là các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, EU…

Đó là những lợi thế lớn cho mặt hàng trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, không như lúa gạo, điều, tiêu hay cà phê, rau quả muốn xuất khẩu không dễ vì là nhóm nông sản phải được thu hoạch, tiêu thụ nhanh, không thể tích trữ, lưu kho chờ giá. Bởi thế, muốn xuất chính ngạch vào những thị trường lớn, khó tính, trái cây phải có “visa” với những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật.

Ông Nguyễn Như Cường nhận định, hạn chế lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả ở nước ta hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, khó đầu tư hạ tầng và tổ chức liên kết sản xuất. Năng suất bình quân nhiều loại cây ăn quả thấp. Hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm của các vùng sản xuất cây ăn quả của Việt Nam chưa chuyên nghiệp, đặc biệt là thiếu vắng các doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, xuất khẩu…

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ sẽ tiếp tục cùng các địa phương rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa tập trung. Đồng thời, xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc, trong đó chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn, chính ngạch.

“Các địa phương căn cứ vào thế mạnh, sản phẩm đặc sản để đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng căn cứ theo thị trường; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu; đặc biệt cần nâng cao năng lực chế biến cho mặt hàng trái cây”, ông Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, cùng với quy hoạch vùng, liên kết doanh nghiệp sản xuất chuỗi, tăng cường khả năng bảo quản, chế biến, tận dụng lợi thế từ các FTA, trái cây Việt Nam sẽ có những bứt phá lớn trong thời gian tới và là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác